Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 844
Lượt truy cập : 7622332
Chỉnh trị sông rạch để chống sạt lở (04/04/2011)

Chỉnh trị sông rạch để chống sạt lở

Hiện TPHCM không thể chủ động đối phó với tình trạng sạt lở, vì vậy thực hiện dự án chỉnh trị hệ thống sông rạch trên địa bàn TP là việc hết sức cấp bách

     Trong thời gian gần đây, tình hình sạt lở trên địa bàn TPHCM diễn biến khá phức tạp, ngày càng nhiều vụ sạt lở xảy ra trên diện rộng và quy mô sạt lở ngày càng lớn. Dù các vụ sạt lở chưa gây thiệt hại về người nhưng không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới.

Mỗi năm một tăng

     Thống kê mới nhất của Khu Đường sông- Sở GTVT TPHCM, từ đầu năm 2009 đến giữa tháng 8-2009, trên địa bàn TP xảy ra 16 vụ sạt lở, cuốn trôi gần 70.000 m2 đất xuống lòng sông. Chỉ riêng huyện Nhà Bè đã chiếm đến 7 vụ, trong đó nặng nhất là vụ sạt lở xảy ra lúc 23 giờ ngày 25-5 ở rạch Bà Lào (xã Nhơn Đức) làm sụp gần như hoàn toàn 1 căn nhà, 4 căn khác bị sụp một phần.

     Ngoài ra, còn có nhiều nơi bị sạt lở lần hai như bờ sông Rạch Giồng – Kênh Lộ (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) và khu đất của Công ty TNHH Hợp Thành trên sông Sài Gòn (phường 28, quận Bình Thạnh) sạt lở trong 2 ngày liên tục, cuốn trôi cả trăm mét đất với chiều rộng gần 30 m.

     Còn theo Sở GTVT, trong năm 2008, toàn TP có 36 vị trí có nguy cơ sạt lở cao. Mặc dù Khu Đường sông đã triển khai hoàn tất 14 dự án chống xói lở bờ sông nhưng vị trí có nguy cơ sạt lở cao tiếp tục tăng lên đến 40 điểm trong năm 2009, nhiều nhất là huyện Nhà Bè với 17 điểm, quận Bình Thạnh 8 điểm, huyện Cần Giờ 7 điểm...

     Hiện tại, Khu Đường sông đang tiếp tục triển khai thực hiện 13 dự án chống xói lở bờ sông với tổng chiều dài hơn 3.100 m như công trình kè bến đò Hiệp Phước, kè sông Kênh Lộ, kè khu vực các cầu Hiệp Phước, Phước Long, Rạch Tôm, Mương Chuối... Tuy nhiên, con số đó không thấm vào đâu so với số điểm có nguy cơ sạt lở cao gia tăng mỗi năm.

Lập bản đồ dự báo sạt lở trước

     Ngoài những dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở hằng năm, Khu Đường sông cũng có những dự án nghiên cứu dự báo sạt lở như ở khu vực bán đảo Thanh Đa, khu vực huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, những nghiên cứu đó còn mang tính chắp vá, thiếu tính đồng bộ.

     Tiến sĩ Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam), cho biết: “Năm nào các cơ quan chức năng cũng đi rà soát sạt lở nhưng hễ có sạt lở thì chỉ có chạy chứ không có cách nào nắm thế chủ động.

     Sạt lở ở đâu thì chống ở đó, không tuân theo quy hoạch chỉnh trị nào, rất dễ gây ra mâu thuẫn, bởi chống sạt nơi này có khi lại gây sạt nơi khác”. Theo tiến sĩ Sản, hiện tại TP vẫn chưa xây dựng được quy hoạch chỉnh trị hệ thống sông rạch với tầm nhìn xa nên không thể chủ động đối phó với tình trạng sạt lở, đồng thời những công trình chống sạt lở cũng không lợi dụng được sự phát triển của thế sông. Vì vậy, việc thực hiện dự án chỉnh trị hệ thống kênh rạch trên địa bàn TP là việc hết sức cấp bách.

     Nói về dự án chỉnh trị hệ thống sông rạch, ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc Khu Đường sông, khẳng định: “Chúng ta phải làm để dự báo tình hình sạt lở trên địa bàn TP. Thông qua đó, sẽ biết được nơi nào bắt buộc can thiệp bằng công trình và nếu can thiệp thì làm như thế nào”.

     Mục tiêu của quy hoạch chỉnh trị sông rạch là nghiên cứu sự phát triển của hình thái sông, lợi dụng sự xói bồi của sông rạch để có kế hoạch uốn nắn nhằm ổn định hình thế sông thông qua các công trình chỉnh trị hợp lý. Quy hoạch trên phải thỏa mãn yêu cầu về thủy lợi, giao thông thủy, giao thông bộ, du lịch...

     Theo các chuyên gia, khi tiến hành chỉnh trị sông rạch, nếu không có tiền thì làm ngay các rọ đá để gia cố tạm, khi có vốn thì làm hoàn chỉnh sau. Ý kiến này cũng được huyện Nhà Bè, nơi có nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở cao nhất, đồng tình. Tiến sĩ Sản cho biết: “Trước mắt, dự án chỉnh trị sông sẽ xây dựng bản đồ các khu vực có nguy cơ sạt lở theo mức độ khác nhau nhằm dự báo và cảnh báo kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và của do sạt lở bờ sông gây ra trước khi có vốn đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch chỉnh trị”.


     Kinh phí dự kiến 3.745 tỉ đồng
     Dự án chỉnh trị hệ thống sông rạch trên địa bàn TPHCM được Khu Đường sông đặt hàng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thực hiện và đang trong giai đoạn hoàn chỉnh để trình Sở GTVT. Theo dự án, hình thức chỉnh trị bảo vệ bờ sông dự kiến là các công trình kè bảo vệ bờ tại chỗ. Chiều dài của công trình chỉnh trị là 107 km với tổng kinh phí dự kiến khoảng 3.745 tỉ đồng.


(Nguồn: nld.com.vn)

Tin tức khác
Dự báo thủy văn ngày 26/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 25/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 24/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 23/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 22/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 21/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 20/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 19/03/2024 (19/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 18/03/2024 (19/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 17/03/2024 (19/03/2024)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN