Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 1688
Lượt truy cập : 7624521
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu: Chủ động để giảm thiểu thiệt hại (04/04/2011)
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu: Chủ động để giảm thiểu thiệt hại

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố “Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”. Đây là chương trình quốc gia quan trọng liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại gây ra đối với Việt Nam.

Chi gần 2.000 tỷ đồng

Theo đánh giá của các nhà khoa học, cùng với Bangladesh, Việt Nam là một trong 2 nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hiện tượng El-Nino (thường xuất hiện nắng nóng và hạn hán) và La-Nina (mưa nhiều và có lốc) xuất hiện với tần suất nhiều hơn, hay triều cường ở TPHCM và mưa to dẫn đến ngập lụt ở Hà Nội trong thời gian qua... là những biểu hiện cho thấy sự biến đổi khí hậu.

Ngay khi đưa ra dự thảo chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã nhận định rằng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không chỉ là nguy cơ mà nó đã hiện hữu rất rõ nét qua bão lũ thất thường và phức tạp, khó lường hết được hiểm họa gây ra.

Nhiều công trình nghiên cứu trong nước cũng như thế giới đã chứng minh điều đó. Theo PGS-TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường, biến đổi khí hậu làm cho nước biển dâng và ngập mặn gia tăng dẫn đến nước mặn lấn sâu vào nội địa làm mất nơi sinh sống của nhiều loại thủy sản, toàn bộ hạ tầng các vùng đất thấp sẽ thay đổi, các hải cảng, cầu, đường sắt... đều phải thiết kế lại phù hợp với mực nước mới…

Chính vì vậy, việc đưa ra chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam được các nhà khoa học đánh giá cao. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chương trình này xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, nguyên tắc là phát triển bền vững, đảm bảo tính hệ thống, tổng hợp, ngành, liên ngành, liên vùng, bình đẳng về giới, xóa đói giảm nghèo; đồng thời các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu có trọng tâm trọng điểm, có tính chất đối phó trước mắt cũng như lâu dài.

Cụ thể, chương trình sẽ đầu tư nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí CO2, trồng rừng, khuyến khích áp dụng những công nghệ mới giảm thiểu biến đổi khí hậu, giáo dục, truyền thông, hợp tác quốc tế... Chương trình cũng đưa ra một số kịch bản nước biển dâng ở Việt Nam cho từng giai đoạn như đến năm 2100, Việt Nam sẽ có khoảng 50% diện tích đất ven biển (sinh sống của 20% dân số cả nước) ngập chìm trong nước… Chính vì vậy, ngân sách mà chương trình đưa ra để giải quyết tình trạng này đến năm 2015, đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Một số nhiệm vụ cần triển khai


Là một nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu về môi trường, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (1980-1992), đã có những đánh giá về biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng tác động lên môi trường tự nhiên và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSCL và vùng duyên hải miền Trung. Theo GS Trân, ứng phó với biển dâng là một nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu về nhiều mặt kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Nếu nhân loại không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt sự biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu, quá trình mực nước biển dâng sẽ diễn ra ngày càng nhanh. Do vậy cần có sự chuẩn bị ứng phó đúng mức ngay từ bây giờ. Tổng kết từ nhiều địa bàn trên thế giới, có 3 cách ứng phó với mực nước biển dâng mà GS Trân đưa ra: bảo vệ (hay chống đỡ, đương đầu), thích nghi và rút lui về phía sau. 3 cách này đều áp dụng đối với các đối tượng: các công trình kiên cố, sản xuất nông nghiệp và các hệ sinh thái, đặc biệt các hệ sinh thái đầm lầy. Để ứng phó tốt nhất cần nắm rõ tình hình cụ thể của địa bàn, khả năng bảo vệ có hay không, tính khả thi và hiệu quả tổng hợp kinh tế, xã hội, văn hóa của phương án ứng phó.

Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường cũng cho thấy, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam đã tăng khoảng 0,7°C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm và dự tính nhiệt độ trung bình có thể tăng lên 3°C và mực nước biển có thể dâng 1m vào năm 2100. Các vùng bị ảnh hưởng gồm: Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình.





Để góp phần vào việc chuẩn bị ứng phó, GS Trân cho rằng cần triển khai một số nhiệm vụ như làm cho cả xã hội nhận thức đầy đủ về tính tất yếu Việt Nam phải ứng phó với biến đổi khí hậu và biển dâng, và tác động của nó, từ tự nhiên đến kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng; xác định và tiến hành sớm những nội dung nghiên cứu triển khai cần thiết (lập bản đồ địa hình tỷ lệ lớn của các vùng ven biển, các vùng trũng; lập bản đồ các vùng địa mạo không ổn định do phá rừng và do biển dâng; phân vùng thủy văn - thủy lực các tiểu vùng theo các phương án mức nước biển dâng; dự báo các công trình trong kết cấu hạ tầng bị đe dọa do biển dâng…).

Cùng quan điểm trên, một số nhà khoa học còn cho rằng cần hợp lý hóa hệ thống giao thông thủy bộ, kết hợp với các nhiệm vụ xây dựng cụm, tuyến dân cư và thủy lợi; nâng cao công nghệ hạn chế xâm thực bờ biển, công nghệ xây dựng trên nền đất yếu, bị ngập nước; các vật liệu nhẹ, bền trong môi trường nước lợ và mặn; nghiên cứu các giống cây con, đặc biệt các giống lúa có gien chịu mặn cao,...

Đồng thời, chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cần phát huy đội ngũ cán bộ khoa học hiện có thông qua một chương trình khoa học và công nghệ đi từ dự báo, đến mô phỏng và tìm các biện pháp thích hợp nhằm tích cực khắc phục các thách thức. Thiết lập ở các trường đại học các khoa, bộ môn đào tạo liên thông và liên kết từ hải dương học, địa chất, động lực học ven biển và vùng cửa sông, toán ứng dụng và cơ học đi sâu về biến đổi khí hậu và biển dâng nhằm đào tạo một nguồn nhân lực lâu dài cho đất nước.


nguồn:http://sggp.org.vn




Tin tức khác
Dự báo thủy văn ngày 26/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 25/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 24/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 23/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 22/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 21/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 20/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 19/03/2024 (19/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 18/03/2024 (19/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 17/03/2024 (19/03/2024)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN