Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 1023
Lượt truy cập : 7701837
Công Nghệ Sinh Học Việt Nam Đang Ở Đâu? (Bài 3): Thiếu Một "Nhạc Trưởng" Xứng Tầm (23/02/2011)
Công Nghệ Sinh Học Việt Nam Đang Ở Đâu? (Bài 3): Thiếu Một "Nhạc Trưởng" Xứng Tầm

Theo Chương tình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp, đến năm 2020, diện tích trồng các giống mới tạo ra bằng CNSH sẽ chiếm trên 70% diện tích cây trồng; trên 70% nhu cầu về giống cây sạch bệnh được cung cấp từ công nghệ vi nhân giống; 80% diện tích trồng rau, cây ăn quả sử dụng phân bón và thuốc BVTV sinh học đáp ứng được cơ bản nhu cầu vắcxin cho vật nuôi... Nhưng xem ra mục tiêu sẽ khó thành công do thiếu nhân lực, vốn đầu tư thấp, chưa có chính sách cụ thể...

Nhân lực: thiếu và phân tán

Không thể phủ nhận, trong vòng 10 năm qua, CNSH ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, trong đó có thể kể đến những nghiên cứu có tiềm năng sử dụng để phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững như: phục vụ tái sinh rừng (nhân giống quy mô lớn cây thân gỗ bằng nuôi cấy mô), sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh, hỗ trợ canh tác trên đất không thuận lợi (chọn giống kháng hạn, úng, lạnh, phèn, mặn), nhân nhanh các giống cỏ có nguy cơ tuyệt diệt... Nhưng đó mới chỉ là bước đi khởi đầu mang tính thử nghiệm. Theo GS - TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, so với nhiều nước đang phát triển, CNSH Việt Nam đang đi sau hàng chục năm bởi thiếu nguồn nhân lực; vốn đầu tư thấp, cơ chế chính sách chậm được cụ thể hóa... Đến nay, nước ta mới đào tạo được 1.500 cử nhân, kỹ sư; 400 thạc sỹ, 90 tiến sĩ về CNSH; người có chuyên môn về công nghệ gien thì chỉ có vài chục. Trong khi đó, Mỹ có 20.000 nhà khoa học chuyên về công nghệ gien, Ôxtrâylia có 2.000 người.

Các phòng thí nghiệm đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, cơ sở vật chất lạc hậu (nhiều thiết bị mua lại của nước ngoài), nguồn lực phân tán. Hiện, cả nước chỉ có 10 phòng thí nghiệm CNSH, 6 phòng thí nghiệm trọng điểm mang tầm quốc gia thì mới bắt đầu triển khai. Trong khi đó, Trung Quốc đang có 5 trung tâm nghiên cứu và phát triển CNSH lớn. Trong 2 năm gần đây, những trung tâm này đã nghiên cứu thành công hơn 200 sản phẩm sinh học các loại. Đến nay, họ có khoảng 500 khu nông nghiệp công nghệ cao và trên 4.000 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái khác nhau.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng nông nghiệp trọng điểm cả nước nhưng trong lĩnh vực CNSH, mỗi năm mới có khoảng 300 cử nhân, kỹ sư được đào tạo, 50 thạc sĩ và khoảng 500 công nhân kỹ thuật công nghệ. Chất lượng của “công nghệ đào tạo” này cũng đang còn là điều phải bàn, bởi CNSH đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại nhiều trường đại học nhưng giáo trình, tài liệu thiếu và cũ. Bên cạnh đó, theo PGS - TS Nguyễn Văn Bá (Viện Nghiên cứu và Phát triển CNSH - Đại học Cần Thơ), điều đáng buồn nhất là ở nước ta rất hiếm “nhạc trưởng” xứng tầm để “điều khiển dàn nhạc” CNSH nông nghiệp một cách nhịp nhàng, đồng bộ, giải quyết được những hạn chế, tồn tại của CNSH. Vì thế, dù mạng lưới các phòng thí nghiệm về CNSH đã được thiết lập ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa có sự phối hợp trong nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng.

Đầu tư nhỏ giọt

Không chỉ yếu kém về nguồn nhân lực, thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn... mà nguồn kinh phí cấp cho CNSH cũng không đáp ứng được yêu cầu. Từ đầu những năm 1980, nhiều nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, đã dùng CNSH để giành ưu thế cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp như đạt chất lượng sản phẩm cao, giá thành hạ. Còn chúng ta, mãi đến năm 1987 mới bắt đầu tập trung triển khai Chương trình CNSH. Và suốt 20 năm, Chương trình này mới được đầu tư 5, 5 triệu USD, chỉ bằng 1/10 tổng số vốn đầu tư của Thái Lan trong năm 2002. Đài Loan (Trung Quốc) có dân số 23 triệu người nhưng từ năm 2001, đã đầu tư cho CNSH 500 triệu USD và hiện có 150 công ty CNSH.

Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ hấp dẫn cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển và thương mại hóa sản phẩm CNSH, dẫn đến khả năng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Ngay cả các doanh nghiệp cũng thiếu niềm tin vào kỹ năng và khả năng sáng tạo của đội ngũ nghiên cứu nên chưa mạnh dạn đầu tư, ứng dụng vào thực tế những sản phẩm CNSH. Quy chế về an toàn sinh học làm cơ sở và động lực cho việc định hướng phát triển CNSH chỉ mới được thông qua cách đây khoảng hai tháng! TS. Nguyễn Thị Đào (Hiệp hội Trái cây Việt Nam) cho biết: “Hiện, thị trường CNSH rất lớn nhưng vẫn bị bỏ ngỏ. Một doanh nghiệp chỉ cần nhập về một loại dưa biến đổi gien chưa có trên thị trường, mỗi năm họ có thể thu được 1 triệu USD lợi nhuận. Trong khi đó, Việt Nam có khí hậu ấm áp quanh năm, rất thích hợp cho việc nghiên cứu, phát triển công nghệ vi sinh vật hữu hiệu, cây kiểng chuyển hoá gien...”.

Khi Nhà nước thực hiện cơ chế “khoán 10” cho các nhà khoa học (Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định từ nay đến hết năm 2009, các tổ chức khoa học và công nghệ phải lựa chọn một trong hai hình thức để chuyển đổi, hoặc là tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí, hoặc là doanh nghiệp khoa học và công nghệ), một mặt “cởi trói” cho các nhà khoa học, tạo điều kiện cho họ tự chủ trong nghiên cứu và tìm kiếm đề tài mới... nhưng mặt khác, có nhiều khó khăn đặt ra khi đội ngũ này đa phần quen sống bằng đồng lương công chức của Nhà nước, chỉ biết nghiên cứu, thí nghiệm và trình diễn đề tài chứ ít ai năng động, tìm kiếm doanh nghiệp làm “bà đỡ” cho công trình của mình. TS. Nguyễn Quân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay: “Hiện cả nước có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tôi chưa biết sau 4 năm được Nhà nước hỗ trợ (2005 – 2009), bị cơ chế mới thúc ép thì có biến động gì không, nhưng nếu căn cứ trên tình trạng hoạt động hiện nay, khoảng 1/3 số tổ chức phải giải thể hoặc sáp nhập vì có nhiều tổ chức chỉ tồn tại trên danh nghĩa, lực lượng mỏng, nhiều năm không có công trình, sản phẩm gì đáng kể”. Vì lẽ đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn kinh phí 1.040 tỷ đồng được phân bổ cho ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2006 - 2015 để phát triển CNSH chưa đủ mạnh đối với nền nông nghiệp lạc hậu còn quá nhiều việc phải làm như nước ta.

Nông dân thờ ơ

Mặc dù, đứng đầu cả nước trong lĩnh vực nuôi trồng các loại cây - con, song sự phát triển của ĐBSCL đang có nguy cơ chững lại bởi trình độ canh tác chậm tiến bộ, phương tiện sản xuất thiếu thốn, lạc hậu, nhỏ lẻ. Tư duy tiểu nông tồn tại cố hữu khiến bà con ngại thay đổi, ngại ứng dụng cái mới. Theo ông Bá, do mặt bằng dân trí thấp nên việc triển khai cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm còn rất khó khăn. Nhiều công nghệ còn áp dụng quy trình lạc hậu, giá thành cao, chất lượng kém, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ cộng đồng. “Tôi rất thất vọng khi chứng kiến cảnh nông dân quá lạm dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, hoá chất các loại trong nuôi trồng mà không biết hoặc không cần biết những hậu quả như đất đai suy kiệt, cằn cỗi; nguyên liệu công nghiệp lưu tồn nhiễm bẩn không thể tẩy rửa hết. Phá hỏng thì rất nhanh và rất dễ, nhưng để khắc phục những điều đó thì phải mất một thời gian dài”, ông Bá day dứt.

PGS – TS Phạm Văn Kim (Đại học Cần Thơ) than thở: “Không chỉ nông dân mà cả cán bộ ngành nông nghiệp ở một số nơi cũng tin rằng, chỉ dùng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật mới làm tăng năng suất và sản lượng cây trồng. Người nông dân đã quên mất phân hữu cơ - chất căn bản, vừa rẻ, vừa sẵn có và tối cần thiết trong nông nghiệp”. Còn ông Bùi Hoàng Tiến, đại diện Công ty cổ phần Dược và Vật tư thú y Hanvet thì cho rằng: “Khó khăn chủ yếu của các doanh nghiệp là công nghệ để sản xuất ra sản phẩm thực tế, chứ không phải thiết bị. Chẳng hạn, chúng tôi rất cần các nhà khoa học cung cấp công nghệ sản xuất vắcxin động – thực vật nhưng không có. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ đầu tư cho các nhà khoa học, nhưng bắt buộc công nghệ đó phải đáp ứng được nhu cầu thị trường, tạo ra được sản phẩm để bà con tiêu thụ”.

Xem ra, với tình trạng sử dụng hoá chất tràn lan một cách báo động, các công ty phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ngày càng "bành trướng"... thì mục tiêu trên 70% diện tích đất trồng sử dụng chế phẩm sinh học xem ra khó thực hiện được.

Theo Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp, đến năm 2020, diện tích trồng các giống mới tạo ra bằng CNSH sẽ chiếm trên 70% diện tích cây trồng; trên 70% nhu cầu về giống cây sạch bệnh được cung cấp từ công nghệ vi nhân giống; 80% diện tích trồng rau, cây ăn quả sử dụng phân bón và thuốc BVTV sinh học, đáp ứng được cơ bản nhu cầu vắcxin cho vật nuôi... Nhưng xem ra mục tiêu sẽ khó thành công do thiếu nhân lực, vốn đầu tư thấp, chưa có chính sách cụ thể...


(Theo kinhtenongthon.com.vn)

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN