Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 1776
Lượt truy cập : 7624747
Đồng bằng sông Cửu Long - Mai dương đã thành đại họa (23/02/2011)
Đồng bằng sông Cửu Long - Mai dương đã thành đại họa

Khắp các tỉnh ĐBSCL, đi đâu cũng có thể bắt gặp loại cây này. Chúng sống dai dẳng, khả năng sinh sản, phát triển ghê gớm, cả những nơi có điều kiện sống khắc nghiệt nhất. Ngay khu vực cánh đồng thuộc phường Đông Xuyên, TP Long Xuyên, An Giang, cây mai dương mọc đầy trên các nền nhà đã được phân lô nhưng đang bỏ hoang. Một phụ nữ sống tại đây cho biết khi bà cất nhà ở thì nơi đây đang là đồng cỏ hoang. Cây mai dương chỉ lưa thưa. Vậy mà mới mấy năm nó đã chiếm cứ toàn bộ khu vực này.

Tràn lan, xâm chiếm ruộng vườn 
     Ông Hai Thưng ở xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, An Giang, chỉ cho chúng tôi miếng đất vườn 2 công ngày trước ông trồng xoài, mận, ổi, chuối và xen một số hoa màu. Từ khi cây mai dương xuất hiện, chúng xâm chiếm và sinh sôi nảy nở tràn lan làm cho cây ăn trái không còn sống nổi. Ông Thưng còn cho hay từ khi cây mai dương mọc tràn lan gần hết đất, ông phát hiện mảnh đất này bị cằn cỗi, không còn dinh dưỡng nữa. Ông cùng vợ con ra sức chặt phá, thậm chí cho bà con ở xóm tự do chặt về làm củi nhưng vẫn không tận diệt được. Một số người dùng cả thuốc diệt cỏ để xịt nhưng chúng chỉ tạm “chết” một thời gian, đợi có mưa lại ngoi lên xanh um.

     Anh Lê Việt Hùng ở bến đò Chợ Thủ, ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp, chỉ cho chúng tôi thấy cả mấy hécta cây mai dương gần đó và cho biết, cây mai dương ở đây xanh tốt quanh năm, nhất là mùa mưa và mùa nước nổi. Nó mọc tới đâu thì đất hoang tới đó. Vào mùa khô, dân địa phương đốn cây mai dương phơi khô làm củi, nhưng vẫn không diệt được bởi số lượng bị chặt chẳng thấm tháp vào đâu so với phần sinh sôi nảy nở.

Tấn công Tràm Chim 
     Cây mai dương có mặt ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, Đồng Tháp khoảng đầu những năm 1980. Từ chỗ chỉ có vài bụi, sau một thời gian ngắn đã sinh sôi nảy nở rất nhanh, xâm hại nhiều loài cây khác. Đến nay, diện tích bị cây mai dương lấn chiếm ở đây đã lên đến 2.000 ha.

     Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc kỹ thuật Vườn Quốc gia Tràm Chim, cho biết: Cây mai dương đang đe dọa hệ sinh thái Tràm Chim. Cây mai dương cạnh tranh dinh dưỡng, chiếm lĩnh khu vực sống của các loài thực vật bản địa. Trong đó, nguy hại nhất là cây mai dương đã xâm chiếm một lãnh thổ sống rất lớn của quần xã lúa ma và quần xã năn, hai quần xã thực vật có giá trị bảo tồn cao. Lúa ma đang được bảo vệ và có giá trị nghiên cứu khoa học rất lớn nhưng hiện khu bảo tồn này chỉ còn khoảng 1.000 ha; năn cũng bị thu hẹp dần, còn khoảng hơn 800 ha. Quan trọng hơn, năn là nguồn thức ăn chính của sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim. Cây mai dương cũng đang xâm chiếm các quần thể thực vật khác như cỏ ống, mồm mốc, sen, súng và rừng tràm. Mức độ đe dọa đối với các quần xã này cũng rất lớn, cũng nguy hiểm như với quần xã lúa ma và năn.

Muốn tận diệt, rất tốn kém
    
Đứng trước đại họa cây mai dương, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học để tìm biện pháp tiêu diệt. Viện Nghiên cứu môi trường Úc cũng hỗ trợ kỹ thuật diệt cây mai dương cho Vườn Quốc gia Tràm Chim. Chính những sự kết hợp này đã giúp Vườn Quốc gia Tràm Chim diệt được cây mai dương trên diện tích đáng kể.

     Theo ông Nguyễn Văn Hùng, cây mai dương phải được diệt bằng nhiều biện pháp tổng hợp như: chặt, cày xới, đốt lửa, phun xịt hóa chất, thả gia súc cho ăn. Cuộc chiến với cây mai dương được nơi đây xác định là lâu dài, hao tốn nhiều chi phí và nhân lực. Tỉnh Đồng Tháp đã chi 600 triệu đồng làm kinh phí diệt cây mai dương cho năm 2009. “Nếu được quan tâm, có kinh phí và thực hiện thường xuyên thì cũng trong vòng 5 - 10 năm tới mới có thể kiểm soát được cây mai dương ở Vườn Quốc gia Tràm Chim”- ông Hùng nói.


TPHCM: Cây mai dương đã có ở 8 quận, huyện
     Ngoài các quận Bình Tân, Thủ Đức, 2, 9, 12 mà Báo NLĐ ghi nhận có sự bùng phát của cây mai dương, theo khảo sát của tổ giảng viên Khoa Sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, cây mai dương còn phát triển nhanh ở huyện Cần Giờ, Hóc Môn và Bình Chánh. Như vậy, cây mai dương đã xuất hiện ở hầu hết các quận, huyện ngoại thành TPHCM.
    
Cây mai dương còn được gọi là cây mắt mèo, cây quỷ, cỏ sóc, mắc cỡ tây. Lá cây giống lá cây mắc cỡ nhưng to hơn, khi đụng vào thì xếp lại. Trên cây có rất nhiều gai nhọn. Khi trưởng thành, cây có thể cao hơn 2 m, trái màu vàng mọc thành chùm, hình trái dài và dẹp gần giống trái bồ kết. Loại cây này phát tán cực nhanh, có nguồn gốc từ Trung - Nam Mỹ.


(nguồn:http://www.nld.com.vn)

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN