Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 1961
Lượt truy cập : 7625165
Dự án thoát nước lạc hậu? (04/04/2011)
Dự án thoát nước lạc hậu?

 Nhiều chuyên gia cảnh báo các dự án thoát nước được đầu tư hàng trăm triệu USD đang triển khai tại TP.HCM đã lạc hậu so với sự biến đổi lượng mưa và mực triều cường, khiến giấc mơ "khô ráo" của người dân TP.HCM còn rất xa.

     TP.HCM đang triển khai 3 dự án thoát nước quy mô lớn với tổng kinh phí lên đến gần 800 triệu USD. Trong đó, dự án Vệ sinh môi trường dự kiến chống ngập cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, phục vụ khoảng 1,2 triệu người tại các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình.

     Dự án Cải thiện môi trường nước chống ngập cho 7 quận huyện (gồm 1, 3, 5, 8, 10, 11 và Bình Chánh) thuộc lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé (trong đó giai đoạn 2 gồm tiểu dự án cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng).

     Dự án Nâng cấp đô thị giải quyết chống ngập cho 9 quận (4, 6, 8, 9, 11, 12, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú) thuộc lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm.

     Theo khẳng định của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, các dự án này khi đi vào vận hành (khoảng năm 2010 - 2011) sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước khu vực trung tâm TP.

Số liệu từ 10 năm trước

     Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên, thạc sĩ Hồ Long Phi (Đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng các dự án này được thiết kế dựa trên những số liệu, tiêu chuẩn đã quá cũ nên sẽ khó phát huy hiệu quả khi đi vào vận hành. Cụ thể, các số liệu về lượng mưa, mực triều cường đã được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khảo sát từ trước năm 2000 và Thủ tướng phê duyệt năm 2001 trong Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020. Trong đó, hệ thống thoát nước được thiết kế cho những cơn mưa có vũ lượng 93 mm, những cơn mưa lớn hơn sẽ gây tràn cống và ngập. JICA chọn con số này làm mốc vì cho rằng thời điểm đó, cứ 3 năm mới có một cơn mưa có vũ lượng cao hơn 93 mm, tức mỗi 3 năm TP.HCM mới đối mặt với nguy cơ ngập, gọi là "ngập cho phép".

     Song thực tế những năm gần đây, những cơn mưa có vũ lượng trên 93 mm xuất hiện thường xuyên hơn, khoảng 1,5 năm/lần. Thậm chí, những cơn mưa trên 140 mm, trước đây 50 - 60 năm mới xảy ra một lần, thì hiện nay chỉ còn khoảng 7 năm/lần. Theo thống kê của ông Phi, vũ lượng mưa tại TP.HCM tăng khoảng 0,8 mm/năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

     Bên cạnh đó, khi lập đề án quy hoạch, JICA đã không lường hết được diễn biến phức tạp của mực nước triều. Các số liệu cho thấy tần suất xuất hiện các đợt triều cường có mực nước cao hơn tăng dần theo thời gian. Cụ thể, năm 2000, mực nước triều dâng cao 1,4- 1,43m chỉ xảy ra 2 lần trong năm (từ năm 2000 trở về trước gần như không có); đến năm 2006, mức triều này diễn ra đến 10 lần (tăng gấp 5 lần) và năm 2007 là 12 lần...

     Đó là chưa kể đến tình huống mưa to xuất hiện cùng lúc với triều cường dâng cao, lúc đó cống đã bị nước triều "hốt trọn" sẽ không thể đảm bảo thêm khả năng thoát nước mưa, nguy cơ ngập vì thế càng nghiêm trọng.

Dự án chồng dự án

     Theo ông Phi, hiện các dự án này đã triển khai nên không thể điều chỉnh lại thiết kế vì sẽ kéo dài thời gian hoàn thành trong khi đây là dự án sử dụng vốn vay ODA. Điều này dẫn đến TP.HCM đang và sẽ phải triển khai hàng loạt dự án “tiếp sức” với chi phí không nhỏ. Trong đó, dự án Vệ sinh môi trường được bổ sung với công trình xây dựng cống ngăn triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, để kiểm soát tình trạng ngập do triều cường tại 7 quận trung tâm, với tổng vốn đầu tư 220 tỉ đồng.

     Trung tâm điều hành chương trình chống ngập cũng tiến hành lắp đặt 300 van ngăn triều dọc các tuyến kênh rạch; đặt bơm thoát nước tại các vị trí ngập nặng do triều cường trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, An Dương Vương, Phan Đình Phùng, Kha Vạn Cân, khu vực Thanh Đa... Thường xuyên triển khai công tác giảm ngập tạm thời cho các khu vực ngập nặng như Bến xe Chợ Lớn, bùng binh Cây Gõ, vòng xoay An Lạc...


Bao giờ hết ngập?
   
  Dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM của Bộ NN-PTNT (được phê duyệt tháng 10.2008, tổng đầu tư 11.500 tỉ đồng) được chia ra làm 3 vùng: Vùng I gồm bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, vùng II khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn và vùng III khu vực bờ tả sông Sài Gòn - Soài Rạp. 
     Nhiều nhà khoa học am hiểu cả lý luận và thực tiễn khẳng định, 4 năm và thậm chí lâu hơn thế, TP.HCM chỉ có thể cải thiện tình hình ngập lụt, chứ không thể hết ngập lụt nếu các giải pháp đưa ra không giải quyết đồng bộ và triệt để. 
     Hệ thống thoát nước mưa và nước thải của TP.HCM đang được làm mới và nâng cấp nhờ các dự án ODA và còn phải tiếp tục làm nữa. Nếu không kiểm soát được mực nước trên "bể tiêu", chính là các kênh hở (nhờ hệ thống cống, đê bao) thì dù có hoàn chỉnh các hệ thống thoát nước khi triều cao cũng không tiêu được. Nhưng khi các công trình thủy lợi kiểm soát được mực nước trên hệ thống kênh hở mà hệ thống thoát nước mưa, nước thải không đáp ứng được bài toán tiêu tại các khu vực thì rất có thể lại xảy ra ngập do nước mưa ngay tại khu vực rất gần kênh rạch đã được hạ thấp mực nước. 
     Việc đầu tư theo dự án quy hoạch của Bộ NN-PTNT có tác dụng nhất định về giải quyết ngập úng, nhưng tự một mình nó không giải quyết được toàn bộ vấn đề vì còn phụ thuộc vào hệ thống cống rãnh tiêu thoát nội ô. Vấn đề là các hệ thống cống rãnh này, trong quá trình thực hiện lại chính là nguyên nhân gây tắc nghẽn đường tiêu, vì trong khi thi công hàng loạt công trình, không ai nắm được bao nhiêu bùn đất đã trôi xuống hệ thống cống rãnh hiện có làm giảm khả năng tiêu thoát của cống. Chưa kể việc người ta còn bê tông hóa vỉa hè, xây dựng các công trình khác làm cho nước tập trung nhanh hơn. 
     Đô thị hóa là một quá trình không thể đảo ngược trong thời thế hiện nay. Người ta bỏ tiền ra đầu tư xây dựng các đô thị để kiếm lời, còn chỗ đâu cho các “hồ điều tiết” theo lý thuyết? Cứ mỗi lần xây thêm đô thị, bao thêm một diện tích nào đó thì biên triều phía ngoài sẽ ngày một cao hơn. Đó là quy luật. Ngay bản thân dự án quy hoạch đã được duyệt này cũng đã dự kiến trước điều đó nên đòi hỏi phải nâng cao trình bờ bao ở dự án Bờ hữu ven sông Sài Gòn từ (+2,20) lên (+2,50). Cứ như thế mà làm thêm vùng II, vùng III. Mọi chuyện diễn ra giống hệt như truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh. Nước càng dâng thì núi càng cao. 
     Việc có hoàn thành toàn bộ các công trình Vùng I vào năm 2012 hay không là một dấu hỏi lớn như vốn đầu tư, đền bù giải tỏa, đặc biệt xây dựng các cống kiểm soát triều là rất mới ở VN. Ngoài 12 cống lớn trong dự án, muốn kiểm soát triều còn phải xây dựng hàng chục cống nhỏ khác đòi hỏi bài toán vận hành hệ thống thật bài bản, khoa học vì ảnh hưởng cả đến giao thông thủy và tác động đến môi trường.

(Nguồn: thanhnien.com.vn)

Tin tức khác
Dự báo thủy văn ngày 26/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 25/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 24/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 23/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 22/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 21/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 20/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 19/03/2024 (19/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 18/03/2024 (19/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 17/03/2024 (19/03/2024)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN