Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 2852
Lượt truy cập : 7728472
HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO Ở VIỆT NAM (23/02/2011)
HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO Ở VIỆT NAM

Nông nghiệp công nghệ cao ở VN đã đạt được khá nhiều thành tựu trong năm vừa qua nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật nước ngoài sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Ở nước ta, các cơ quan nghiên cứu đã hoàn thiện nhiều quy trình, tiến bộ kỹ thuật, công nhận hàng chục giống rau, hoa mới, thích hợp cho vụ sớm và trái vụ. Các nghiên cứu về giá thể sản xuất rau, hoa giống theo quy mô công nghiệp không dùng đất, sử dụng bạt che phủ đất và tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cũng đã được thử nghiệm bước đầu cho kết quả tốt. Ngoài ra còn nhiều nghiên cứu khác thuộc lĩnh vực giống, bảo vệ thực vật, phân bón, thuỷ lợi, chăn nuôi bước đầu đã có những kết quả ứng dụng trong sản xuất. Nhiều công nghệ cao (công nghệ sinh học, vật liệu mới…) đã được các doanh nghiệp ứng dụng trong sản xuất. Một số khu NNCNC của Nhà nước, của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã hình thành và phát triển.

Huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc hiện có trên 1.000 ha sản xuất hoa, chủ yếu cung cấp trong nước và xuất khẩu (khoảng 10%). Các công nghệ mới gồm tạo giống tốt, nhà lưới, vườn ươm, kho mát, bảo quản, đóng gói. Tỉnh cũng đã xây dựng khoảng 100 trang trại nấm, sản lượng đạt trên 500 tấn /năm; triển khai dự án rau an toàn trên 130 ha, sản lượng đạt 2, 5 vạn tấn/năm, với công thức 5 cấm trong rau sạch, 3 chỉ tiêu an toàn (dư lượng thuốc trừ sâu, vi sinh vật gây bệnh, hàm lượng nitrat trong rau).

Diện tích canh tác hoa, cây cảnh của thành phố Hồ Chí Minh hiện có 668,2 ha (tương đương 1.005 ha diện tích gieo trồng), trong đó mai vàng là chủng loại chiếm tỷ lệ lớn nhất; hoa lan 64,3 ha, đây là chủng loại hoa mới phát triển nhưng đem lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị.

Tại Lâm Đồng, đã có mô hình sản xuất rau an toàn 600 ha được sản xuất theo hai dạng là công nghệ sản xuất cách ly trong nhà lưới không sử dụng phân bón, nông dược vô cơ và cách ly trong nhà lưới có sử dụng giới hạn nông dược vô cơ. Nhiều nông dân đã ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất hoa.

Khu NNCNC tại Hà Nội và Hải Phòng, do chúng ta nhập khẩu “trọn gói” từ nhà màng, thiết bị bên trong cho đến kỹ thuật canh tác. Việc đánh giá hiệu quả toàn diện các mô hình này cần sớm được tiến hành cụ thể và chi tiết. Tuy nhiên, có một số vấn đề mà chúng ta cần cân nhắc: Việc nhập trọn gói như vậy sẽ rất đắt và phụ thuộc; các khu NNCNC này đều thiếu cán bộ có trình độ giỏi về công nghệ. Qua việc xây dựng và vận hành khu NNCNC của Hà Nội và Hải Phòng có thể rút ra một số bài học: Khi xây dựng cần hết sức quan tâm tới điều kiện tự nhiên như đất đai, mực nước ngầm, nguồn nước tưới, giao thông; lưu ý trong khi quản lý và khai thác mô hình. Thực tế cho thấy có rất nhiều vấn đề chúng ta phải nghiên cứu cho quy trình canh tác trong nhà lưới, nhà màn (quản lý và xử lý giá thể, quản lý và xử lý dịch hại, quản lý và điều tiết tưới tiêu, làm mát, kể cả việc quản lý về dinh dưỡng...). Vì hai khu NNCNC trên là nhập trọn gói các quy trình kỹ thuật, trang thiết bị máy móc... nên khi đưa vào điều kiện Việt Nam còn nhiều bất cập (mưa, nắng, bão, mùa vụ, tập quán tiêu thụ, dịch bệnh phát sinh, bảo dưỡng, duy tu các trang thiết bị...).

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tại thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Bò sữa đã đầu tư chuồng trại khá hoàn chỉnh, có hệ thống phun sương, chuồng ép có khả năng tự động 50% để gieo tinh nhân tạo, khám thai, điều trị phẫu thuật; xây dựng đồng cỏ thâm canh 300 ha, 4 hố ủ chua có sức chứa 3.000 tấn thành phẩm, khu vắt sữa gồm 6 máy (công suất 15 con /máy). Xu hướng nâng quy mô chăn nuôi lên thành trang trại tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa là một hình thức chuyển dịch cơ cấu và chuyển dịch cấu trúc trong bản thân ngành chăn nuôi đang được hình thành và phát triển tại thành phố.

Cũng tại thành phố, Xí nghiệp heo giống cấp I đã thực hiện mô hình “đầu tư chuồng trại và quản lý chăn nuôi theo phương thức cùng vào - cùng ra”. Đây là mô hình học tập công nghệ nước ngoài và tự sản xuất chuồng bằng vật tư trong nước. Nước được phun qua lưới lọc tạo thành sương để làm mát chuồng, sau đó được đẩy ra ngoài. Hệ thống cho ăn được thực hiện tự động và cho ăn theo định lượng. Ngoài ra, đã có các trang trại của cá nhân chăn nuôi quy mô 100-500 heo nái, 300-3.000 heo thịt như các trại chăn nuôi heo của Nguyễn Đình Liêm, Nguyễn Tấn Luận… đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại với hệ thống chuồng kín, sử dụng cho heo nái nuôi con, heo cai sữa, heo đực và hệ thống cung cấp thức ăn tự động, cho ăn theo định lượng.

Những tồn tại:

Do nguồn nhân lực chưa được đào tạo cơ bản nên khi tiếp xúc ngay với một lĩnh vực công nghệ cao, người vận hành gặp nhiều khó khăn khi sử dụng máy móc, thiết bị, chưa có tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp.

Đến nay, đa số các khu NNCNC vẫn phải sử dụng các hạt giống của những công ty bán và chuyển giao công nghệ. Các giống trong nước chưa có kết quả tốt, chưa xác định được bộ giống phù hợp để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm có giá bán không cao, do vậy chưa khuyến khích được sản xuất phát triển.

Đầu tư cơ sở vật chất (nhà kính, nhà lưới, giàn che...) giá thành cao nên nhiều doanh nghiệp khó chấp nhận. Nhiều thiết bị, công nghệ nhập tỏ ra chưa phù hợp với điều kiện ở nước ta (hệ thống tản nhiệt và che sáng, thu lại dinh dưỡng...). Điều kiện cách ly chưa tuyệt đối đã ảnh hưởng rất lớn tới năng suất cây trồng.

Chưa xác định được định mức kinh tế - kỹ thuật cho từng loại cây trồng trong từng thời vụ cụ thể. Sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có vùng chuyên canh sản xuất cung cấp khối lượng nông sản lớn, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp.

Việc phát triển kinh tế tập thể còn chậm, chưa có những tổ chức hợp tác nông dân lớn nên việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến bảo quản nông sản còn hạn chế. áp lực đô thị hoá tăng nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.

Giá thành sản xuất tăng, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của người chăn nuôi.

Kế hoạch phát triển NNCNC đến 2015

Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phát triển mạnh các cây, con chủ lực theo hướng NNCNC. Đẩy mạnh chương trình giống cây, giống con chất lượng cao, xây dựng và định hình các vùng sản xuất giống, hình thành hệ thống sản xuất giống hợp lý với sự tham gia của các tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế. Gắn nghiên cứu với ứng dụng và chuyển giao công nghệ, gắn chọn giống, tạo giống, bình tuyển giống với thị trường tiêu thụ, thông qua hình thức kiểm định công nhận giống. Từng bước hình thành trung tâm giống khu vực.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu NNCNC tại các tỉnh, thành phố có điều kiện. ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực trồng trọt như: Canh tác rau bằng kỹ thuật thuỷ canh và màng dinh dưỡng; sản xuất các loại hoa, cây cảnh và cây ăn trái sạch bệnh bằng công nghệ cấy mô, vi ghép… ứng dụng kỹ thuật trồng cây nhiều tầng để tận dụng không gian, sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu bằng công nghệ mới.

Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng trọt, sơ chế và bảo quản, chế biến các nông sản bảo đảm chất lượng cao.

Kiến nghị

Để đẩy mạnh phát triển NNCNC, bên cạnh sự đầu tư từ chính bản thân của từng cơ sở, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước:

- Tăng cường hợp tác giữa cơ quan nghiên cứu với các cơ sở sản xuất để ứng dụng và chuyển giao nhanh các kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất.

- Sớm chuẩn hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng và phương pháp giám định giống theo kiểu gen.

- Sớm ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn về sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

- Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ chế tạo thiết bị trong nước, đào tạo nhân lực, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...

- Cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm thuế, có chính sách ưu đãi về thuê chuyên gia, thu hút chất xám, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển khu NNCNC.

(http://www.tchdkh.org.vn)

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN