Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 1920
Lượt truy cập : 7625083
Khi Sân Golf Lấn Ruộng Vườn (23/02/2011)
Bài 1: Đảo lộn cuộc sống nhà nông

Hàng ngàn nông dân đã phải rời ruộng vườn biết bao năm gắn bó để nhường đất cho sân golf. Chỉ riêng sáu tỉnh thành đã có hơn 30 dự án sân golf, chiếm hàng chục ngàn hecta đất từ trung du xuống tới đồng bằng. Dù người dân không đồng tình nhưng lãnh đạo các tỉnh vẫn kiên quyết triển khai biến những mảnh đất "bờ xôi, ruộng mật" thành sân golf

Chỉ riêng sáu địa phương (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Lâm Đồng) đã có 34 dự án đầu tư vào sân golf được cấp phép và chấp thuận đầu tư với diện tích hơn 13.000ha. Hàng ngàn hecta lúa, hoa màu và cuộc sống của hàng ngàn người dân bị đảo lộn khi nhường đất cho sân golf.

Sân golf lấn lúa
Tại dự án sân golf ở xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa, Long An), tỉnh đã cho phép Công ty Hyoil (Hàn Quốc) được chọn đất để triển khai dự án. Theo ông Châu Hải Ngạt - chủ tịch UBND xã Mỹ Phú, đây là xã chuyên trồng lúa của huyện Thủ Thừa. Toàn xã có 777ha đất trồng lúa nhưng đã bị thu hồi làm sân golf hết 256,3ha và có hơn 600 hộ dân bị ảnh hưởng dự án sân golf.


Theo nhiều người dân địa phương, khu vực làm sân golf hiện trồng lúa hai vụ/năm. Nhiều người dân bị ảnh hưởng dự án sân golf ở ấp 1 và ấp 4 cho biết vùng đất này nếu được đầu tư về thủy lợi tốt hơn thì hoàn toàn có thể trồng lúa ba vụ/năm và năng suất cao hơn nữa. Đặc biệt, nơi đây vài năm qua đã trở thành những điểm trình diễn mô hình sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao để nông dân các địa phương khác đến tham quan, học tập.

Những ngày đầu tháng 5-2008, nhiều người tranh thủ lúc giải tỏa đã xuống ruộng làm cỏ, cày đất chuẩn bị sản xuất tiếp vụ lúa hè thu. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Su ở ấp 4 giọng đầy âu lo: "Nghe nói nơi này mai mốt sẽ làm sân golf, bà con tụi tui phải di dời lên khu tái định cư. Nói thật, dù ở đây làm lúa không giàu như người ta nhưng cũng sống được. Chỉ lo tiền bồi thường không đủ mua đất khác thì khổ!".

"Bức tử" cù lao
Tỉnh Tiền Giang còn "bạo" hơn khi chấp thuận giao cho Công ty TNHH Mê Kông - Thới Sơn toàn bộ 1.200ha đất tự nhiên của cù lao Thới Sơn (huyện Châu Thành) xây dựng sân golf và một số dự án khác.
Theo hồ sơ dự án, Công ty TNHH Mê Kông - Thới Sơn muốn lấy hết diện tích đất cù lao Thới Sơn để xây dựng một sân golf 36 lỗ rộng 180ha, khu du lịch nghỉ dưỡng 30ha, khu khách sạn ba sao và trò chơi dân gian 34,8ha... Dự kiến công ty sẽ đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng để thực hiện dự án "hoành tráng" này. Toàn bộ 6.000 dân bị thu hồi đất, UBND xã, trường học, trạm y tế sẽ được "dồn" về khu tái định cư dự kiến xây dựng trong phạm vi 3ha ở ấp Thới Thạnh gần cuối cù lao. Theo phác thảo qui hoạch, sân golf ở vị trí cực đẹp ngay cạnh cầu Rạch Miễu.

Ông Nguyễn Hùng Dũng, chủ tịch UBND xã Thới Sơn, cho biết trong số 1.200ha đất tự nhiên tại đây có khoảng 600ha đất trồng cây ăn trái lâu năm đặc sản của ĐBSCL. "Dù hiện nay thu nhập bình quân đầu người ở Thới Sơn chưa đạt 10 triệu đồng/người/năm, nhưng dự kiến đến năm 2010 sẽ đạt trên 12 triệu đồng/năm" - ông Dũng cho biết. Tháng 9-2008 cầu Rạch Miễu sẽ thông xe đưa vào sử dụng thì cù lao này không còn là ốc đảo nữa vì có một nhánh cầu nối liền với cù lao. Trung bình mỗi năm Thới Sơn thu hút hơn 300.000 du khách, trong đó hơn 2/3 là khách quốc tế.

Hầu hết các dự án xây dựng sân golf đều gặp phải phản ứng từ phía người dân và chính quyền cấp cơ sở nhưng vẫn được triển khai. Trong dự án xây dựng sân golf tại cù lao Thới Sơn, người dân và cán bộ đảng viên công khai phản ứng nhưng tỉnh ủy, UBND tỉnh... quyết tâm triển khai dự án. Dự kiến trong tháng 5-2008 tỉnh sẽ đưa phương án bồi thường thu hồi đất lấy ý kiến người dân.

Giành đất đồi chè
Tương tự như vậy, tại khu vực dự kiến triển khai xây dựng sân golf 250ha ở phường Lộc Phát (166ha), thị xã Bảo Lộc và thị trấn Lộc Thắng (84ha), huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng (do Công ty TNHH xây dựng Jinsung Vina 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc làm chủ đầu tư) đã có nhiều công nhân và người dân địa phương bày tỏ mong muốn đừng để họ mất nguồn sinh nhai. Theo bản đồ tổng thể ranh giới do Jinsung lập để xin thuê đất trong 50 năm, người dân địa phương tại đây khẳng định tất cả diện tích này đều nằm trên khu vực trồng chè tươi tốt.

Mất đến 160ha cho hai dự án sân golf (ngoài dự án sân golf của Jinsung còn dự án 120ha sân golf của Công ty ACM), ông Phạm Ngọc Thậm - quyền giám đốc Công ty cổ phần chè Minh Rồng - bức xúc: "Sau cổ phần hóa, công ty đã đầu tư rất lớn để phát triển cây chè Đài Loan, với suất đầu tư 400 triệu đồng/ha. Nhưng phần đất đó bây giờ lại nằm trong kế hoạch bị thu hồi".

Theo vị đứng đầu công ty có 300 công nhân và 700 hộ nông dân nhận giao khoán trồng chè này, công ty đã kiểm nghiệm trên rất nhiều vùng đất và đã trồng thí điểm nhưng chất lượng chè không cao. "Ở đây không còn vùng đất nào thay thế được vì vùng này từ xưa người Pháp cũng đã khảo nghiệm nhiều rồi mới chọn nơi đây để trồng chè. Qui hoạch một vùng đất trồng chè như thế này thành sân golf quả là điều thật đáng tiếc" - ông Thậm than.


 (nguồn: http://diaoc.tuoitre.com.vn)

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN