Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 350
Lượt truy cập : 7620939
Nông Dân Mất Ruộng Vì Khu Công Nghiệp - Dân Cư (23/02/2011)
Nông Dân Mất Ruộng Vì Khu Công Nghiệp - Dân Cư

Bài 1:  Lấy đất rồi… để hoang

Tại nhiều tỉnh ĐBSCL, đất nông nghiệp đã được chuyển thành KCN, KDC. Nhưng thật trớ trêu, không ít KDC lèo tèo, còn KCN thì đang bỏ hoang, nông dân mất nghề phải chịu cảnh ly nông.

Khu công nghiệp bỏ hoang
     Ba tỉnh khu vực bán đảo Cà Mau đã được Chính phủ phê duyệt phương án điều chỉnh qui hoạch sử dụng đất đến năm 2010. Tại Sóc Trăng, nếu như ba năm trước đất dành cho KCN chỉ có 253ha thì đến năm 2010 con số này sẽ tăng lên 1.024ha. Theo kế hoạch phát triển nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tỉnh Sóc Trăng xác định từ nay đến năm 2010 sẽ phát triển sáu KCN. Trong đó, ngoài KCN Trần Đề nằm gần cửa biển nên ít ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, các KCN còn lại đều được qui hoạch trên đất ruộng vườn.

     Gần cửa ngõ vào TP Sóc Trăng, KCN An Nghiệp nằm cạnh quốc lộ 1A có diện tích 178ha cũng là ngần ấy đất lúa của hàng trăm người dân TP Sóc Trăng và huyện Mỹ Tú đã và đang bị xóa sổ. Nhiều nông dân sau khi bị giải tỏa trắng đã tranh thủ vào gieo sạ trên những thửa đất chưa có nhà đầu tư thuê để mong kiếm vài chục giạ lúa chà gạo ăn đắp đổi qua ngày. Trong khi ngân sách của tỉnh đang đuối sức với nhiều dự án thì mới đây KCN Cái Côn tại xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cũng được khẩn trương thực hiện trên diện tích 149ha, đẩy 218 hộ dân vào cảnh ly nông.

     Lão nông Nguyễn Văn Đây ở xã An Lạc Thôn thở dài nói: "Đất đai ở đây rất màu mỡ, 20 công ruộng mỗi năm làm lúa ba vụ gia đình tôi thu hoạch được khoảng 60 tấn lúa nên không sợ thiếu tiền cho con cháu ăn học. Tới đây khi KCN Cái Côn mọc lên tôi chẳng biết phải bám víu vào đâu, vì hai vợ chồng già không biết phải làm gì để sống khi không còn cục đất chọi chim".

     Tại Bạc Liêu, KCN Trà Kha nằm ở phường 8, thị xã Bạc Liêu cũng được triển khai trên đất trồng lúa. Trước đây dự án này được qui hoạch rộng trên 200ha nhưng do nhiều lý do khách quan nên hiện chỉ còn gần 90ha. Đây là KCN đầu tiên của Bạc Liêu đã được triển khai nhiều năm nay nhưng hiện chỉ mới mọc lên duy nhất nhà máy sản xuất bia. Tới đây không chỉ có KCN Trà Kha mà nhiều KCN khác ở các huyện cũng mọc lên vì theo nghị quyết điều chỉnh qui hoạch sử dụng đất đến năm 2010, diện tích đất trồng lúa ở Bạc Liêu giảm từ 73.670ha xuống còn 62.034ha và đất dành cho KCN tăng từ 51ha lên 857ha.

     Tại Cà Mau, các KCN cũng lần lượt ra đời. Trong đó, KCN Khánh An và KCN Hòa Trung đã "ngoạm" trên 700ha đất nông nghiệp. Ông Tám Hoàng ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau nói với giọng buồn: "Nông dân tụi tôi có vài công ruộng làm lúa, tuy không giàu nhưng nếu chăm chỉ làm ăn thì không bao giờ sợ đói. Bây giờ thấy đền bù được nhiều tiền nhưng không có công ăn việc làm ổn định thì ôm tiền xài một thời gian sẽ trở thành trắng tay, con cháu lớn lên không biết lấy đất đâu để trồng lúa nuôi miệng".

Khu dân cư, tái định cư thưa thớt
     Không chỉ có KCN, tại các tỉnh ĐBSCL, nhiều khu đô thị mới (KĐTM), KDC cũng đang đua nhau mọc lên. Tại TP Cà Mau hiện có trên 10 dự án xây dựng KDC, KĐTM… được qui hoạch trên hàng trăm hecta đất trồng lúa. Để giảm chi phí đền bù, hầu hết các nhà đầu tư đều lập dự án trên đất nông nghiệp nhưng sau đó lại bán nền nhà với giá cao làm người dân bức xúc.

     Thế nhưng đa số các KDC, KĐTM này được triển khai nhiều năm nhưng rất ít người vào ở. KĐTM Bạch Đằng ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau có qui mô 170ha sau nhiều năm triển khai đến nay chỉ có vài dãy nhà liên kế và khoảng 30 căn hộ mua nền cất nhà nên rất trống vắng. Tương tự, dự án KĐTM tại phường 1 và phường 9 có diện tích 71ha, thực hiện từ năm 2005 nhưng hiện chỉ có ba bốn ngôi nhà được xây dựng!

     Còn tại Kiên Giang, "nổi bật" nhất là khu đô thị, trung tâm thương mại U Minh (huyện An Biên) và KDC huyện An Minh. Hàng trăm hecta đất trồng lúa đã bị thu hồi để bơm cát vào xây dựng khu đô thị nhưng rồi treo để đó hơn bốn năm nay. Điều đáng nói là khu đô thị và dân cư này lại không được người dân đồng tình. Một người nguyên là cán bộ xã Đông Hòa (An Minh) nói: "Hàng trăm hộ dân đang sống bằng nghề nông giờ thu hết đất đai, lại không có hỗ trợ để họ chuyển đổi nghề nghiệp thì họ sống thế nào? Việc đền bù cũng hết sức bất hợp lý. Thu của người ta mấy ngàn mét đất mà đền còn không đủ mua nền tái định cư thì họ ở đâu bởi hầu hết đều là nông dân nghèo...".

     Ở Sóc Trăng, một trong những dự án được xem là hoành tráng nhất ở TP Sóc Trăng hiện nay là dự án khu đô thị và tái định cư 5A được qui hoạch tại phường 4, TP Sóc Trăng có tổng diện tích 177ha. Cách dự án khu đô thị và tái định cư 5A không xa, dọc đường Lê Duẩn, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) hiện nay đang hình thành khu tái định cư nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân bị giải tỏa bởi chính dự án này. Còn ở phường 7 và một phần của huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), sau khi hàng trăm hộ dân bị mất đất làm lúa vì KCN An Nghiệp thì nay tiếp tục có 146 hộ phải ly nông do đã có một khu dân cư được qui hoạch trên diện tích gần 36ha.



(nguồn :http://www.tuoitre.com.vn)

 

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN