Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 108
Lượt truy cập : 7625733
Nông nghiệp công nghệ cao: Dạo bước trên mây (23/02/2011)
Nông nghiệp công nghệ cao: Dạo bước trên mây

Khu nông nghiệp công nghệ cao, trồng cả… rau muống

Khi tôi đang trong phòng làm việc với ông Phan Minh Nguyệt - Tổng Giám đốc Cty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và PTNN Hà Nội (Hadico), một cán bộ cty nhè nhẹ gõ cửa phòng, nét mặt rụt rè: “Báo cáo anh, khu nông nghiệp công nghệ cao, mưa to, nước tràn vào hiện chưa bơm ra được”.

Câu chuyện nông nghiệp công nghệ cao giữa tôi và anh Nguyệt bắt đầu bằng một tình huống bi hài như vậy. Cách đây chừng vài năm, Hà Nội ấp ủ làm 4 dự án nông nghiệp công nghệ cao nhưng 3 dự án định thực hiện ở các huyện bị thất bại, không triển khai được (một phần do không tích tụ được diện tích đất đủ rộng, phần do quá tốn kém) còn mỗi dự án ở Hadico là thực hiện được. 

Ông Nguyệt thổ lộ: “Vướng mắc đầu tiên đáng lẽ nhà nước đầu tư 100% nhưng khi ấy có nhiều ý kiến bảo Hadico là doanh nghiệp không được đầu tư cả như vậy mà chỉ Vụ, Viện nghiên cứu mới được. Cuối cùng giải pháp chính phủ và doanh nghiệp cùng đầu tư và doanh nghiệp quản lý được chọn. Lúc đầu đề xuất 24 tỉ, nhà nước ½, doanh nghiệp chịu ½ sau đó điều chỉnh vốn nhà nước còn 10 tỉ gồm các cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp 8 tỉ cho việc nhập các thiết bị trên một diện tích gần 1 ha trong nhà kính gồm nhiều thứ vật liệu mới như kính, lưới, ống tưới và cả công nghệ sinh học như giá thể, chế phẩm… đến kỹ thuật canh tác của Israel, tất cả được điều chỉnh sao cho hoàn hảo để đạt năng suất, chất lượng tốt nhất”.

Theo lời ông giám đốc, công nghệ này ở Úc đã đạt 500 tấn cà chua/ha/năm, ở một số nước đạt 700 tấn/năm, giá trị doanh thu tương đương quy ra tiền Việt cỡ 10 tỉ đồng/ha/năm. Ngay tại đơn vị, hiện năng suất thực tế cho cà chua đạt 250 tấn/ha/năm, ớt ngọt xấp xỉ 200 tấn/ha/năm, riêng dưa chuột trên 300 tấn/ha/năm, vượt cả Úc.

Là đơn vị đầu tiên làm nên có nhiều thứ chỉ người trong cuộc mới rành rọt. Ông Nguyệt bảo phát triển nông nghiệp công nghệ cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Trước hết đầu tư cho 1 ha khoảng 10-15 tỉ đồng/năm, rất tốn kém. Thứ nữa là vấn đề thị trường. Những nước phát triển, họ ít gặp phải vấn đề này vì đã có sẵn thị trường, lại thêm chính sách nông nghiệp được đãi ngộ cao, còn ở ta chưa có.

Yếu tố con người xét cả hai khía cạnh là sản xuất thì chưa đáp ứng về trình độ và người tiêu dùng cũng chưa đáp ứng được. “Nông nghiệp công nghệ cao là quá trình tất yếu. Ở khía cạnh doanh nghiệp, chúng tôi thử nghiệm công nghệ cao để xem xét rút kinh nghiệm chứ không một doanh nghiệp nào có khu nông nghiệp công nghệ cao trên một diện tích chưa đầy 1 ha lại làm ăn có lãi cả mà chỉ có lỗ thôi. Hơn thế lượng hàng hoá đem cho, tiếp thị ước chiếm tới 1/3 sản lượng. Hiện toàn bộ hệ thống khu nông nghiệp công nghệ cao này không khấu hao, mà tự làm tự nuôi chứ nếu phân bổ khấu hao cả vốn đầu tư ban đầu vào thì làm sao chịu nổi? Làm ở 10 ha sẽ tốt chứ trồng ở 1 ha không đủ lượng hàng hoá cung cấp ổn định cho bạn hàng và xoay vòng các loại sản phẩm được.

Nhưng nếu xét trên khía cạnh tổng hợp, chúng tôi lại “lãi” ở chỗ: Đã có không dưới 600-700 đoàn khách đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đến đây, nhiều người tham quan hiểu thế nào là nông nghiệp công nghệ cao, tận mắt xem, tận tay sờ chứ trước muốn xem mô hình như vậy phải sang Úc, Mỹ, Hà Lan…, còn giờ ngay ở Hà Nội cũng thấy… Nó mang lại một nhận thức mới, đấy cũng là tiền cả. Tiến tới chúng tôi sẽ làm tiếp những khu nông nghiệp công nghệ cao nhưng theo hướng điều chỉnh, tính toán lại những thiết bị, chọn tạo những giống phù hợp hơn…”.

Tôi được anh Trần Văn Đường - Trưởng phòng Kế hoạch của đơn vị dẫn đi thăm khu nông nghiệp công nghệ cao. Hà Nội mấy ngày nay mưa tầm tã, khu này lại bố trí ở vị trí khá thấp nên bị ngập nước, bơm ra không xuể. Cửa khu hai mở toang, không ai buồn đóng lại. Đập vào mắt tôi là những luống rau muống được trồng khá lộn xộn xen lẫn cỏ dại. Nền khu nước xâm xấp khiến cho chúng tôi phải rất khó khăn khi đặt từng bước chân sao cho giầy dép khỏi ngập lút trong bùn. Hết ruộng rau muống là những luống rau dền tím, loại rau bình dân vẫn thường thấy ở chợ vỉa hè cũng được trồng thẳng luôn xuống đất trong một trạng thái không thể nói là đẹp mắt, có tay nghề được.

Ở cuối khu thứ hai là một ít luống dưa chuột còn sót lại một ít quả. Những luống dưa đã bắt đầu heo héo vì nước ngập. Anh Đường hái cho tôi một quả dưa, xoa xoa vào tay áo rồi bảo: “Ăn đi, dưa sạch tuyệt đối đấy”. Tôi chiều ý anh, vừa nhẩn nha ăn vừa hỏi chuyện. Thế khu này còn được chăm sóc tự động bằng máy tính nữa không? Anh Đường cẩn thận rút di động ra gọi đi đâu đó một vài phút rồi bảo: “Vẫn còn, hệ thống tưới vẫn tự động nhưng mấy hôm nay ngập nước đã ngắt rồi”.

“Một số khu nhà nước đầu tư, sự can thiệp về hành chính còn khá nhiều, khi xây dựng quá chú ý tới hình thức, bề ngoài của công trình, nặng về trình diễn, nhẹ về hiệu quả”.

Rời khu hai sang khu một, cũng một trạng thái tương tự nhưng ở đây còn có cả…mồng tơi trồng dưới đất, đang bò lẫn cùng cỏ dại, theo một công nghệ còn… thấp hơn cả nông dân ngoại thành đang trồng phổ biến ngoài đồng. Theo anh Đường những luống rau muống, dền, mồng tơi là của những công nhân làm thêm, cải thiện bữa ăn gia đình mình là chính chứ không có tính hàng hoá. Cả khu này cứ như lời anh vừa mới được thu hoạch sản phẩm nên chỉ còn trơ lại những luống giá thể là xơ dừa kèm lẫn những cục bọt tro núi lửa xôm xốp, được nhập khẩu nguyên gốc từ Israel.

Sang nhà điều hành khu công nghệ cao, cửa đóng nhưng không khoá. Gọi mấy lần mà chẳng có ai thưa, tôi liền khe khẽ mở cửa thì thấy phòng vắng lặng, ẩm mốc và trơ trọi một màn hình vi tính dạng lồi, cũ kỹ, tắt ngóm không biết còn hoạt động được hay không. Theo anh Trưởng phòng Kế hoạch ước tổng thu một năm từ khu nông nghiệp công nghệ cao gồm những sản phẩm chính như cà chua, dưa chuột, ớt ngọt khoảng 100 tấn. Giá trị thì anh chưa tính toán, nhưng theo giá bán RAT phổ biến trên thị trường, tôi ước giỏi lắm được trên 1 tỉ đồng …

theo:http://nongnghiep.vn

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN