Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 5066
Lượt truy cập : 7697589
" Nông nghiệp, nông dân, nông thôn" Bài 4: Củ Chi và chuyện bên dòng kênh Đông (23/02/2011)
" Nông nghiệp, nông dân, nông thôn" Bài 4: Củ Chi và chuyện bên dòng kênh Đông

Với phương châm “nhìn kỹ, nghe nhiều, nói ít”, đoàn công tác do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã lắng nghe những điều mà nông dân đang cần nói và muốn nói. Cuộc trao đổi giữa những nông dân quen “bán mặt cho đất” với đoàn lãnh đạo thành phố về một tương lai gần cho bộ mặt nông thôn mới đã không có khoảng cách.

Nghe

     Người ta biết nhiều về Củ Chi, đó là vùng “đất thép thành đồng” với một thành phố dưới đất trong suốt thời kỳ chiến đấu giành độc lập cho đất nước. Một minh chứng cho sự thay da đổi thịt “dễ thấy dễ tin” trên mảnh đất vốn nổi tiếng về sự dũng cảm trong chiến đấu đó là 635 đoạn đường nội huyện đã sáng đèn mỗi tối kéo dài trên 571km.

     Một “ví dụ điển hình” về công nghiệp hóa trên vùng đất nông nghiệp này đó là những nhà máy mọc lên ngày một nhiều và trên những con đường nông thôn hàng hàng lớp lớp thanh niên trong đồng phục công nhân đến nhà máy. Thật ra, nghe và thuộc những câu nói của Bác Hồ không khó, nhưng thực hiện và thực hiện bằng được lời dạy của Bác một cách thiết thực và nhuần nhuyễn, thì cần có quyết tâm và nỗ lực tự thân.

     Một câu nói không bao giờ xưa của Bác Hồ mà TPHCM đã và đang thực hiện hết lòng đó là “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Những con số phát triển về giáo dục của Củ Chi, vùng nông thôn của TPHCM thật xứng đáng với quá khứ oai hùng của những đoàn chiến binh từ mặt đất đi lên và chiến đấu như huyền thoại. Công tác “trồng người” ở Củ Chi đã trổ hoa trạng nguyên với tỷ lệ học sinh “vượt vũ môn” của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2007 - 2008 là 94,76%, trong đó Trường THPT Trung Phú đạt 97,71%. Một dự đoán đưa ra làm nức lòng người đó là - dự kiến đến cuối năm 2008 này, Củ Chi sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục bậc phổ thông trung học.

     Mặt đất này từng vững như thép che chở những đoàn quân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bây giờ, cũng đất ấy đang chuyển mình dữ dội để trở thành vùng nông thôn mới hiện đại và công nghiệp.

     “Để nông thôn có đời sống văn minh, có bộ mặt thành thị; nền nông nghiệp mang dáng dấp và hiệu quả của nền công nghiệp hiện đại và nông dân có đời sống cao của thị dân, phải xây dựng một lớp thanh niên nông thôn có kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại” - Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã chỉ ra điều cần thiết, cơ bản để thực hiện nhiệm vụ ấy - “cần trang bị kiến thức hiện đại cho nông dân để nông dân có tư duy công nghiệp trong quá trình sản xuất hàng hóa”.

     Đồng chí Lê Thanh Hải khẳng định: So với nông thôn cả nước, Củ Chi là vùng nông thôn có hạ tầng cơ sở tương đối khá, có nhiều yếu tố và cơ sở thuận lợi để phát triển nông nghiệp theo mô hình hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông thôn. Song, để giải quyết vấn đề “tam nông” ở Củ Chi nói riêng, các huyện ngoại thành nói chung cần nghiên cứu điều kiện kinh tế, xã hội của từng vùng với các thế mạnh riêng của mỗi nơi, nhưng phải đặt trong tổng thể của một trong hai trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội lớn nhất nước. Và các vấn đề về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” cần được giải quyết đồng bộ gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa nông thôn.

     Với phương châm “nhìn kỹ, nghe nhiều, nói ít”, đoàn công tác do đồng chí Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy dẫn đầu đã lắng nghe những điều mà nông dân đang cần và muốn nói. Cuộc trao đổi giữa những người nông dân quen “bán mặt cho đất” với đoàn quan chức đứng đầu thành phố không có khoảng cách. “Thành phố miễn thủy lợi phí nhưng như thế còn mệt hơn vì những mảnh ruộng cuối thửa không có nước về. Chúng tôi tha thiết …”, “Sữa bò bán bị doanh nghiệp ép giá, lãnh đạo giúp nông dân chúng tôi với”, “Dân hiến đất làm đường nội đồng, sao lâu quá không làm?”… Những người nông dân nói tất cả những điều ấm ức, những nguyện vọng và cả những tâm tư riêng về phân tuyến trường học chưa hợp lý khiến việc học hành của con cái họ chưa thuận lợi. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín ngạc nhiên đến khó chịu khi ông nghe nói cán bộ điều tiết thủy lợi huyện mỗi tuần chỉ mở nước từ thứ 2 đến thứ 5 “Nước chưa kịp chảy xuống tới ruộng tui là cạn queo rồi!”, ông nông dân than thở. Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Tín giao Chủ tịch UBND huyện Củ Chi theo dõi và báo cáo cách giải quyết sự “khát nước” của dân xã Thái Mỹ, trong thời gian nhanh nhất, có thể được.

Nói

     Nói về nông nghiệp, ai cũng nhớ câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, thủy lợi là vấn đề sống còn trong nông nghiệp. Còn nhớ, những năm đầu sau giải phóng, Củ Chi là vùng đất xác xơ bởi bom đạn cày nát từng mét đất. Những đọt đòng đòng xác xơ ngả màu vàng cháy khi chúng chưa kịp đi qua “thì con gái” của cây lúa. Để cứu lúa, lãnh đạo TPHCM đã tổ chức đào kênh Đông quyết cứu vùng đất héo khô bao năm vì lửa đạn. Cả một vùng nông thôn hừng hực sức trẻ cùng vạt đất, đào kênh trên đoạn đường dài 11km. Đêm đêm, ánh đuốc sáng lập lòe sáng cả một góc trời với những tiếng hò dô của những chàng trai, những cô gái làm thủy lợi. Và đến nay, hệ thống kênh Đông vẫn là hệ thống thủy lợi chính của nền nông nghiệp ở Củ Chi.
 
     Bây giờ, con kênh Đông vẫn chảy quanh co trên mảnh đất thép thành đồng. Và ở Củ Chi bây giờ khi nói đến năng suất lúa, không ai tính bằng giạ mà người ta tính bằng tấn. Không chỉ sống với hai mùa lúa/năm mà nông dân Củ Chi còn trồng nhiều loại cây ăn trái, khoai lang chất lượng cao, rau sạch và cả hoa lan cho chất lượng cao nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu canh tác. Trồng rau sạch với kỹ thuật mới cho năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, nhưng dù sao thì rau vẫn là rau và nếu ế thì “sáng là rau chiều đã là rác”. Nhiều nông dân than trời vì nhà máy Vinamilk thu mua sữa ép nông dân. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín đã từng công tác trong lĩnh vực nông nghiệp nên ông thấu hiểu vị mặn của mồ hôi nước mắt của bà con nông dân và ông hứa sẽ trình lãnh đạo thành phố xem xét việc đầu tư nhà máy sơ chế, bảo quản thực phẩm, sản phẩm của nông dân trước khi chúng trở thành hàng hóa. Lời phát biểu kết thúc buổi làm việc của Bí thư Thành ủy được bà con nông dân hài lòng vì “có tình có lý” và bà con nông dân cũng tìm thấy ở những vị lãnh đạo cao cấp này sự đồng cảm rất chân tình.


Và nhìn

     Phần “nghe” đã xong, đoàn bắt đầu phần “nhìn” bằng chuyến đi đến các hộ nông dân làm ăn giỏi.

     Đoàn ghé thăm Công ty cổ phần Nuôi cá kiểng Sài Gòn ở ấp Mũi Lớn, xã Tân Thông Hội. Giám đốc điều hành trại cá giống là một thanh niên rất trẻ tên Lê Hữu Thiện. Công ty của một Việt kiều ham mê cá cảnh và anh ta đã tổ chức nuôi 100 loại cá giống để phục vụ thị trường nuôi cánh cảnh trong và ngoài nước. Có nhiều loại cá quý hiếm mà chủ nhân trại cá mang về từ nhiều nước trên thế giới.

     Năm 2007, Công ty Sài Gòn đạt doanh số xuất khẩu hơn 1 triệu USD. Đoàn công tác thành phố ra khỏi trại cá giống lòng rất vui với hình ảnh lung linh của sự sống đầy màu sắc của nông thôn Củ Chi. Những chiếc xe đi như đánh võng trên tuyến đê bao của hệ thống kênh Đông đến ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng để đến trại cá sấu Tồn Phát của ông Trần Văn Nga (Sáu Nga). Trại cá sấu trông rất bề thế với quy mô hơn 4 ha với các dãy chuồng được xây cất chắc chắn và sạch sẽ. Ông Sáu Nga, khởi đầu với 100 con cá sấu vào năm 1987. Nay, công ty đã có tổng đàn cá sấu cả bố mẹ lẫn đàn cá sấu thịt thuộc loại lớn nhất nước với hơn 25.000 con cá sấu nuôi tập trung và hơn 20.000 con cá sấu “gửi” nuôi trong các hộ dân.

     Chủ tịch tổ chức CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp) và đại diện của 14 quốc gia đến tham quan để thẩm định khả năng nuôi cá sấu của Công ty Tồn Phát. Ông Sáu Nga cho biết hiện nhà máy chế biến các sản phẩm thời trang và gia dụng từ da cá sấu của nhà máy ông đã xuất đi gần 10 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bí thư Lê Thanh Hải đã vui vẻ biểu dương cách nghĩ, cách làm của Công ty Tồn Phát và ông Sáu Nga. Bí thư cười sảng khoái sau khi tham quan cơ ngơi của ông Sáu Nga - nông dân cũng là doanh nhân.


     Củ Chi là một huyện ngoại thành TPHCM. Nơi đây được xem là địa bàn trọng điểm về nông nghiệp của thành phố, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển nghề vườn. Hiện diện tích vườn cây ăn trái ở Củ Chi có gần 3.000ha. Với hệ thống kênh Đông dài hơn 11km rất hữu ích cho việc tưới tiêu quanh năm.


Thay lời kết

     Chúng tôi xin được lược trích lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến ông về thăm và làm việc tại ĐBSCL, cách đây chưa lâu để thay cho lời kết của loạt bài viết về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.


     Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Vốn” lớn nhất, mạnh nhất để phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở ĐBSCL nói riêng ở nước ta nói chung, đó là con người”. Và vì thế, ưu tư lớn nhất của Thủ tướng trong chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong 5 năm (từ 2006 - 2010) là nâng cao tri thức, chuyên môn hóa ngành nghề cho thanh niên vùng này.


     Thủ tướng kết luận: Nói đến sự phát triển nhanh và bền vững của ĐBSCL là nói đến tăng trưởng GDP, kéo ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn và phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kết hợp với cải thiện môi trường. Để những yêu cầu trên trở thành hiện thực, không thể chỉ trông chờ vào sự đầu tư, trợ giúp của trung ương mà tự thân mỗi người dân của từng địa phương cũng phải vượt lên chính mình bằng nỗ lực tìm kiếm tri thức mới và phải quyết tâm chống lãng phí, không chỉ là lãng phí tiền bạc, thời gian mà còn là tuổi trẻ của mỗi người.

(nguồn:http://sggp.org.vn)

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN