Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 97
Lượt truy cập : 7718788
TP.HCM: Dân ngoại thành bỏ ruộng (23/02/2011)
TP.HCM: Dân ngoại thành bỏ ruộng

“Sao người dân nỡ quay lưng với ruộng đồng?”. Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Sáu Trí (quận 12), ông lắc đầu ngao ngán: “Biết sao được, tại quy hoạch và ô nhiễm môi trường. Quy hoạch thì không ai dám trồng lúa vì sợ người ta thu đất bất cứ lúc nào. Còn ô nhiễm, lúa trồng bao nhiêu, hư hết bấy nhiêu hoặc thu hoạch được thì chỉ đủ cho gà, vịt ăn”.

Những cánh đồng hoang
     Dẫn chúng tôi đến khu vực cánh đồng hoang thuộc xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, ông Sáu Trí giải thích: Tên gọi cánh đồng hoang có từ năm 2003, khi những hộ dân bị thu hồi đất để làm khu dân cư 18 ha do Công ty Xây dựng Thương mại kinh doanh nhà Thành Phát làm chủ đầu tư. Từ đó đến nay, một số hộ dân nhận tiền đền bù đã di dời, những hộ chưa nhận tiền thì ở lại cầm cự trồng lúa. Do diện tích canh tác bị teo tóp nên sâu bọ, chuột tập trung về quậy phá. Chịu không thấu, nông dân phải bỏ ruộng. Sau đó chủ đầu tư dính đến vụ lùm xùm đất đai nên từ đó đến nay, toàn bộ diện tích đất này vẫn bỏ hoang.

     Khu đất bị vướng quy hoạch treo khá lâu phải kể đến khu dân cư – công nghiệp Tân Tạo, rộng hơn 300 ha, làm đảo lộn cuộc sống các hộ dân ấp 2, 3, 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Đưa chúng tôi đến những cánh đồng lúa lởm chởm kiểu da beo, ông Phạm Văn Bé thở dài: “Treo hơn 6 năm rồi mà chủ đầu tư vẫn chưa thỏa thuận giá cả. Ruộng bị đưa vào quy hoạch, người dân chẳng thiết tha cấy, cỏ mọc đầy đồng. Xót quá, năm ngoái chúng tôi rủ nhau cấy lại thì lúa mất mùa, dịch bệnh hoành hành...!”.

     Tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi cũng có một cánh đồng hoang rộng hàng trăm hecta. Đây là khu đất thuộc dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Tân Phú Trung. Với đôi mắt ưu tư hoài niệm về màu xanh ngát của ruộng đồng, ông Nguyễn Văn Hối, tuổi đã ngoài 70, buồn bã: “Dòng họ tôi ba đời làm ruộng. Nhờ làm ruộng mà tôi đã nuôi 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Từ khi ruộng vô quy hoạch, cuộc sống gia đình chỉ biết bám víu vào những gì còn sót lại trên vườn nhà, nên thiếu trước hụt sau”.


Lúa hư hại vì ô nhiễm
     Kể từ khi kênh Trần Quang Cơ nằm giáp ranh quận 12 và huyện Hóc Môn bị ô nhiễm nặng, hàng ngàn mét vuông diện tích đất trồng lúa nằm dọc hai bên kênh bị bỏ hoang. Ông Đỗ Văn Cầm, người cuối cùng ở vùng này nghỉ trồng lúa, nhớ lại: “Xưa người dân trồng lúa tốt nhờ nước kênh tưới tiêu, nhưng từ khi kênh này ô nhiễm, mưa lớn là nước ngầm thấm qua ruộng, lúa hư hết”. Đi dọc kênh, chúng tôi muốn nôn ra bởi mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nước thải từ các trại nuôi heo, bò đổ trực tiếp xuống kênh. Rồi cả dòng nước thải từ KCN Tân Thới Hiệp theo cống thải cũng ào ạt đổ ra, khiến dòng kênh lúc nào cũng sủi bọt, hôi thối nồng nặc. Hầu hết dân địa phương không chịu nổi phải bỏ đi nơi khác ở, đất thì cho những người nhập cư thuê với giá rẻ để trồng rau.

     Địa bàn giáp ranh giữa huyện Củ Chi và Hóc Môn, nơi có kênh Thầy Cai chảy qua, tình trạng nông dân bỏ ruộng cũng nhiều vô kể. Ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch Hội nông dân huyện Hóc Môn, cho biết đi dọc tuyến kênh Thầy Cai không khỏi xót lòng khi thấy ruộng đồng bị bỏ hoang do phải hứng ô nhiễm từ kênh Thầy Cai. “Ngoại thành đã mất đi những cánh đồng bát ngát do nhà máy, xí nghiệp xả nước thải ra, khiến nguồn nước bị ô nhiễm, không thể tưới tiêu được”- ông Huệ nói.


Có tiền tỉ cũng... ôm nợ!
     Ông Nguyễn Văn Hối, người kiên quyết giữ lại ruộng trong dự án KCN Tân Phú Trung (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi), thổ lộ: Chớ ham tiền đền bù từ dự án mà bỏ ruộng đồng, bởi không ít gia đình ôm tiền tỉ, chia chác cho con cái sắm xe xịn, cất nhà lầu, gửi tiền ngân hàng xài từ từ mà không biết chuyển đổi nghề, cuối cùng thì “ngồi ăn núi lở”. Chỉ tay về phía cánh đồng của mình, ông nói: “Cũng vì đất đai vô dự án này mà nhiều nông dân quanh đây mắc nợ, đời họ khổ lắm!”.

     Để minh chứng, ông Hối dẫn chúng tôi đến nhà bà Tạ Thị Quỳnh (ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung), người nhận được 1,6 tỉ đồng từ chủ đầu tư dự án KCN Tân Phú Trung. Vào nhà, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy một bà cụ tuổi ngoài 70 đang cặm cụi bó từng bó rau muống để bán đắp đổi qua ngày. Ngưng tay, bà Quỳnh kể: “Gia đình tôi ba đời sống nhờ 1,2 mẫu ruộng, năm nào thu hoạch lúa chất đầy bồ, đủ ăn quanh năm. Từ năm 2004, toàn bộ ruộng đất vô quy hoạch. Chủ đầu tư đền bù được 1,6 tỉ đồng. Cầm tiền chưa được bao lâu thì thằng con trai trở chứng chơi cá độ đá banh, tiền “đổi” ruộng bay gần hết. Còn lại vài trăm triệu đồng, tôi mua miếng đất nhỏ và chữa bệnh thận cho nó, giờ coi như trắng tay và bà già 70 như tôi lại trở thành... lao động chính trong nhà”.

     Nhiều gia đình nông dân ở huyện Hóc Môn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Gia đình ông Hai Chăng (ấp 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) có đất nằm trong dự án quy hoạch khu dân cư 18 ha, được đền bù hơn 400 triệu đồng, chia cho dòng họ, anh em, còn lại hơn trăm triệu đồng ông “trút” vào lo chữa bệnh tai biến cho vợ và đứa con bị tâm thần. Những ngày sau đó, ông phải vay nợ khắp nơi để trang trải cuộc sống. “Tôi vay hội nông dân 15 triệu đồng, quỹ xóa đói giảm nghèo 6 triệu đồng, ngân hàng 8 triệu đồng và người thân trong dòng họ hơn 30 triệu đồng... Không biết khi nào trả nổi số nợ này dù mỗi ngày tôi phải chạy xe chở thuê từ sáng sớm!”- ông Hai Chăng thở dài.


Ông Dương Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân TPHCM: Ở trọ ngay trên đất của mình! Trong thời gian đi khảo sát thực tế tại nhiều quận, huyện ngoại thành, chúng tôi cảm thấy xót xa khi đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn do không còn ruộng để sản xuất vì đất bị đưa vào quy hoạch, đô thị hóa, ô nhiễm... Buồn hơn khi không chỉ nông dân có ruộng vô quy hoạch phải ngừng sản xuất mà cả những nông dân quanh đấy cũng bị tác động kéo theo mà đua nhau bán đất, lấy tiền tiêu xài rồi không biết xoay đồng vốn, chuyển đổi nghề thế nào. Mới đây, sau 10 năm, chúng tôi trở lại thăm những hộ dân từng bán ruộng đất vì chịu tác động của tốc độ đô thị hóa ở một số phường thuộc quận Bình Tân, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy đa số họ nghèo trở lại, có gia đình phải mướn nhà trọ ngay trên mảnh đất của mình. Do đó, các chính sách hỗ trợ cho nông dân có đất bị thu hồi như tái định cư, chuyển đổi nghề... cần xem xét lại.


(nguồn:http://www.nld.com.vn)

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN