Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 85
Lượt truy cập : 7718724
Từ đợt triều cường kỷ lục vừa xảy ra: TPHCM ứng phó thế nào? (04/04/2011)
Từ đợt triều cường kỷ lục vừa xảy ra: TPHCM ứng phó thế nào?

Đợt triều cường cao kỷ lục vừa xảy ra đã khiến không ít người nghĩ rằng một bộ phận cư dân TP sẽ phải đón tết trong cảnh ngập lụt. Tình hình nghiêm trọng hơn khi theo dự báo từ nay đến Tết Kỷ Sửu 2009, TPHCM sẽ đối mặt với 3 đợt triều cường nữa.

Ngập - Chuyện không của riêng ai

     Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đợt triều cường vừa diễn ra đầu tuần trước tại TPHCM có mực nước cao nhất trong vòng nửa thế kỷ qua. Các số liệu thống kê cho thấy: Lúc 5 giờ ngày 15-12, mức triều cường đo được tại trạm An Phú là 1,55m, trong khi lúc 4 giờ mức triều đo tại trạm Nhà Bè là 1,52m. Hơn một tháng trước, ngày 13-11 đỉnh triều cao nhất cũng chỉ 1,54m, trong đó triều cao từ 1,50m trở lên kéo dài gần 6 ngày, từ 12 đến 17-11. Lùi thời gian về trước để so sánh, tháng 10-2007 đỉnh triều là 1,49m. Như vậy, có thể thấy trong vòng vài năm gần đây, đỉnh triều trên địa bàn TP cứ liên tục nhích dần lên.

     Hệ quả của triều cường là làm bể bờ bao và gây ngập úng cục bộ nhiều nơi. Tháng 10 năm ngoái, triều cường gây bể bờ bao tại 62 đoạn. Đợt triều cường hồi tháng 11 vừa qua gây bể 30 đoạn và tràn bờ một số đoạn có cao trình thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu vực thuộc 13 phường, xã của 7 quận huyện như phường 15 quận Gò Vấp; khu Bình Quới phường 28 quận Bình Thạnh; phường Hiệp Bình Phước quận Thủ Đức; phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân và An Phú thuộc quận 12; xã Đông Thạnh và xã Nhị Bình huyện Hóc Môn; xã Bình Mỹ huyện Củ Chi; xã Phong Phú huyện Bình Chánh… Thống kê cho thấy dù thiệt hại đã giảm so với năm trước nhưng đợt triều cường này cũng gây ngập trên 87 tuyến đường và các lưu vực xung quanh với độ sâu 0,20-0,55m.

     Riêng đợt triều cường kỷ lục hồi tuần trước, nước ngập sâu 30-50cm tại nhiều tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh); Hậu Giang, Nguyễn Văn Luông (quận 6); Kinh Dương Vương (quận Bình Tân)… trong khi tại một số nơi thuộc phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, An Phú Đông (quận 12) hoặc phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (Thủ Đức), nước tràn cả vào nhà dân, ngập sâu gần 0,5m.

     Trong báo cáo mới nhất trình UBND TPHCM, Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TPHCM cho rằng, vấn đề ngập nước và khả năng tiêu thoát nước là chuyện “ắt có” và không của riêng ai tại TP. Nguyên nhân là do TP nằm ở hạ lưu các sông lớn như Sài Gòn, Đồng Nai và các hồ chứa nước thượng nguồn; đã vậy 60% diện tích của TP có cao trình dưới +2m so với mặt nước biển, hệ thống sông rạch dày đặc, diện tích mặt nước lớn lại nằm sát biển nên chịu ảnh hưởng mạnh của triều. Ngoài ra cũng phải tính tới… mưa. Bởi vì tổng lượng mưa trung bình nhiều năm tại TP đo được là 1.930mm, tập trung trong 6 tháng mùa mưa với vũ lượng bình quân 6-40mm/trận mưa. Thế nhưng, qua thống kê cũng ghi nhận số lần xuất hiện những trận mưa lớn cứ tăng dần từ năm 1982 đến nay.

3 tình huống giả định và giải pháp ứng phó

     Trên cơ sở những dữ liệu thống kê, đo đạc hiện có, Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TPHCM đã giả định 3 tình huống thành phố bị ngập.

     Trường hợp như hiện nay, tức là TP chưa xây dựng đầy đủ và chưa kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước theo quy hoạch, đồng thời nếu mưa rất to (trên 100mm) và kéo dài nhưng không trùng đợt triều cường. Khi đó mức độ ngập sẽ như trận mưa ngày 1-8-2008, nhưng nước sẽ rút nhanh qua hệ thống cống để đổ ra các tuyến sông, kênh, rạch.

     Nếu thời gian mưa rất to kéo dài trên 1 ngày, gây quá tải hệ thống cống thoát nước hiện hữu, biện pháp đối phó là sẽ tận dụng năng lượng chảy tràn của dòng chảy theo trục từ cao xuống thấp hướng về các sông, kênh, rạch. Riêng các vùng trũng thấp chưa có hệ thống thoát nước thì sẽ phải huy động máy bơm cố định và di động để bơm cưỡng bức thoát nước liên tục.

     Trường hợp vẫn như hiện nay, nhưng có trùng với đợt triều cường, dự báo thời gian gây ngập 3-5 giờ và có thể nhiều hơn nếu mưa to kéo dài trên 1 ngày. Giải pháp vẫn như tình huống trên nhưng cần nhiều thời gian hơn để xử lý.

     Giả định thứ 3, khi đó các công trình thủy lợi kiểm soát lũ, triều theo quy hoạch đã hoàn chỉnh. Bấy giờ hệ thống công trình kia có thể làm giảm mức nước trên các kênh rạch trong khu vực dưới cao độ +1m và có thể bằng cao trình đáy của kênh rạch là +2m, đảm bảo khu trung tâm và khu vực Nam TP không còn ngập do triều cường vào mùa khô và tổ hợp mưa, triều vào mùa mưa. Khi hoàn thành hệ thống khép kín sẽ đảm bảo kiểm soát tuyệt đối mực nước trên kênh rạch trong khu vực, ngăn chặn ảnh hưởng của nước biển dâng, sẵn sàng kết nối với các hệ thống lân cận trong chương trình thích nghi biến đổi khí hậu.

    Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TPHCM đề nghị thành phố tổ chức nghiên cứu, xác định giới hạn tỷ lệ bê tông hóa bề mặt các khu dân cư, từ đó xây dựng định mức tối thiểu dành cho các mặt phủ thấm nước, dung tích các hồ nổi hoặc hồ ngầm với mục đích điều tiết ngập nước khi đầu tư xây dựng các khu dân cư đô thị mới, để khắc phục tình trạng làm gia tăng hệ số chảy tràn trong quá trình đô thị hóa.

nguồn:http://sggp.org.vn

Tin tức khác
Dự báo thủy văn ngày 16/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 15/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 14/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 13/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 12/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 11/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 10/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 09/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 08/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 07/04/2024 (16/04/2024)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN