Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 218
Lượt truy cập : 7743857
Báo động sạt lở (17/09/2012)
Báo động sạt lở

Những năm qua, TPHCM đầu tư xây dựng hàng loạt công trình chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch nhằm hạn chế nguy cơ sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, nhiều công trình chậm triển khai do vướng mặt bằng hoặc chưa có vốn. Vì thế nhiều nơi đang đối mặt sạt lở nghiêm trọng.

Xói lở nghiêm trọng

Mỗi khi có mưa lớn hay triều cường dâng cao kèm theo đó là hàng loạt nơi bị sạt lở. Tại khu vực bờ tả sông Sài Gòn thuộc Khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, hệ thống bờ bao chỉ được đắp đất rất đơn sơ, mỏng manh đến nỗi có nguy cơ tràn và vỡ bờ nếu bị triều cường hay mưa. Tại  bờ trái sông Sài Gòn khu vực bến đò Bình Quới phía thượng lưu và hạ lưu thuộc phường Linh Đông, quận Thủ Đức, dọc bờ sông chỉ được gia cố bằng cừ tràm và đất đã xuất hiện một số vết nứt nên rất dễ xảy ra tình trạng vỡ bờ. Ngoài ra, khu vực này thường xuyên có tàu thuyền lớn và bến đò chở khách qua lại gây ra sóng rất mạnh. Điều đáng nói, phía bên trong bờ sông, hàng trăm nhà dân và vườn mai của người dân thấp hơn so với mực nước bên ngoài, nếu xảy ra tình trạng tràn và vỡ bờ, cả khu vực sẽ bị chìm trong nước.

Nguy hiểm hơn, khu vực bờ trái sông Sài Gòn đối diện nhà số 16/5 đến 16/13 đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, dọc bờ sông có nhiều nhà cao tầng nằm cách bờ sông 15-20m, nhưng hệ thống bờ kè chủ yếu là hệ thống tường rào do người dân xây dựng. Trong khi đó, khu vực này có nhiều tàu, sà lan lưu thông qua lại làm nước đánh dạt vào hai bên bờ gây xói mòn bờ sông rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở.

Tương tự tại huyện Nhà Bè với 12 vị trí đang báo động được xem là điểm nóng về nguy cơ sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu dân cư, nhất là tại khu vực hai bên rạch Dọc thuộc xã Hiệp Phước, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Mới đây, hai vụ sạt lở tại bờ sông Mương Chuối ở ấp 1, xã Nhơn Đức, làm 4 phòng trọ và 2 căn nhà trôi xuống sông.  Huyện Cần Giờ cũng có nhiều vị trí sạt lở nguy hiểm, đó là khu vực bến phà Bình Khánh, ven sông Soài Rạp, tập trung rất nhiều hộ dân sinh sống.

Vướng mặt bằng
Hiện khu Quản lý đường thủy nội địa (KQLĐTNĐ) được UBND TPHCM giao thực hiện 16 công trình chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch (trong đó có 1 công trình chuyển tiếp, 6 công trình khởi công mới, 4 công trình chuẩn bị thực hiện, 5 công trình chuẩn bị đầu tư). Ngoài ra, còn 9 công trình sử dụng nguồn vốn ủy quyền. Trong tổng số 62 điểm có nguy cơ sạt lở, KQLĐTNĐ làm chủ đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở tại 19 điểm; các quận huyện và các đơn vị khác làm chủ đầu tư 19 điểm; còn lại 24 điểm chưa có chủ trương đầu tư (trong đó có 7 điểm đặc biệt nguy hiểm KQLĐTNĐ đã đề xuất và đang chờ giải quyết), 17 điểm kiến nghị xây dựng kè nhưng đến năm 2013- 2016 mới thực hiện. Tuy nhiên đến nay vẫn không có mặt bằng để thi công các dự án. Mặc dù nguồn vốn xây dựng các công trình chống sạt lở đã được duyệt 148,7 tỷ đồng (tăng khoảng 3,5 lần so với năm 2011) nhưng hiện nay chỉ giải ngân được khoảng 30%.

KQLĐTNĐ đang khởi công mới 6 công trình thì có đến 5 công trình vướng mặt bằng. Trong đó, 2 công trình tại kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh là đoạn 1.2 và đoạn 1.4, (hoàn thành trong năm 2014), nhưng đến nay, mới bàn giao mặt bằng đợt 1. Còn lại, 1 công trình chống sạt lở tại bờ sông khu vực xã Nhơn Đức, 2 công trình xây kè tại rạch Tôm, huyện Nhà Bè vẫn trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Tương tự, cả 4 công trình, dự án chống xói lở bờ sông tại cầu Long Kiểng, cầu Phước Lộc, xây dựng bờ kè tại ngã 3 Rạch Rơi (sông Cần Giuộc) và bờ kè tại khu dân cư xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè cũng vướng mặt bằng. Trong đó, công trình chống xói lở cầu Long Kiểng, kinh phí bị vượt lên gấp đôi (so với mức 21,3 tỷ Sở GTVT đã phê duyệt trước đây) nên vừa qua, KQLĐTNĐ đã đề xuất TP trình Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng tổng mức đầu tư của dự án. Đối với 4/5 dự án chuẩn bị đầu tư đã được Sở GTVT phê duyệt tính đến thời điểm hiện tại, có 3 công trình liên quan đến khâu giải phóng mặt bằng đã và đang gây trở ngại lớn.

Ông Trần Văn Giàu, Phó Giám đốc KQLĐTNĐ (thuộc Sở GTVT) cho rằng tiến độ thi công nhanh hay chậm là do mặt bằng quyết định. Thời gian chờ bàn giao mặt bằng khiến vốn đầu tư tăng cao so với dự toán ban đầu. Địa phương nào chậm bàn giao mặt bằng chính người dân nơi đó bị thiệt hại.

Theo Sở GTVT trên địa bàn TP hiện có 62 khu vực, trong đó có 29 vị trí đặc biệt nguy hiểm gồm: huyện Nhà Bè 12 vị trí, quận Bình Thạnh 7 vị trí, huyện Bình Chánh 4 vị trí, quận Thủ Đức 2 vị trí, quận 2 có 3 vị trí... Ngoài các điểm trên còn có 18 khu vực sạt lở mức độ nguy hiểm và 15 khu vực sạt lở mức độ bình thường.

theo:http://sggp.org.vn

Tin tức khác
Dự báo thủy văn ngày 16/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 15/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 14/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 13/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 12/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 11/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 10/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 09/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 08/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 07/04/2024 (16/04/2024)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN