Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 205
Lượt truy cập : 7774159
Đập thủy điện sông Mekong: Mối đe dọa lớn (04/04/2011)
Đập thủy điện sông Mekong: Mối đe dọa lớn

Ngày 7-11, nhiều đại biểu Quốc hội đã đến nghe các nhà khoa học, chuyên gia trình bày chủ đề “Phát triển đập thủy điện trên sông Mekong và thách thức đối với VN”. Đây là chủ đề do Trung tâm Con người và thiên nhiên (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN) cùng Mạng lưới sông ngòi VN tổ chức.

Dự án thủy điện như nấm

     Với chiều dài gần 5.000km, tạo ra lưu vực rộng gần 800.000km2, Mekong là dòng sông lớn nhất Đông Nam Á có tiềm năng thủy điện dồi dào. Theo TS Đào Trọng Tứ, nguyên phó tổng thư ký ủy hội sông Mekong, với 31% diện tích lưu vực, 16% lưu lượng nước, 2.000km chiều dài và cao 4,5km so với mực nước biển, dòng Mekong thượng lưu phía Trung Quốc tạo ra 23.000 MW điện tiềm năng. Hiện Trung Quốc dự kiến xây dựng 15 bậc thang thủy điện trên thượng nguồn, họ đã và đang xây dựng bốn đập lớn: Mạn Loan, Tiểu Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng.

     Theo ông Tứ, Trung Quốc tuyên bố việc xây dựng các đập thủy điện của họ không ảnh hưởng đến vùng hạ lưu, Trung Quốc và Myanmar đến nay vẫn từ chối tham gia ủy hội sông Mekong (ủy hội hiện nay gồm bốn nước VN, Lào, Campuchia, Thái Lan).

     Tiềm năng thủy điện dòng Mekong mang lại cho bốn nước hạ lưu cũng lên tới 30.000 MW, tập trung chủ yếu ở Lào. “Từ năm 2007 đến nay thủy điện là vấn đề nóng bỏng ở khu vực hạ lưu. Lào dự kiến xây tám bậc thang, Thái Lan hai và Campuchia hai. Đó là chưa kể gần 60 đập thủy điện được xây trên các dòng nhánh của Mekong. Rõ ràng thủy điện dày đặc đang làm chúng ta hốt hoảng” - ông Tứ cho hay.

     Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu sông Mekong, TS Jeremy Carew - Raid, giám đốc Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường, chuyên gia dự án đánh giá môi trường khu vực hạ lưu sông Mekong, cho biết: nếu các dự án trên được hiện thực thì 55% tổng chiều dài của sông sẽ biến thành các hồ chứa nước.

Ai được lợi?

     “Nếu cả 12 dự án của khu vực hạ lưu được triển khai và vận hành cũng chỉ cung cấp 6-8% nhu cầu đỉnh (thời điểm sử dụng điện cao nhất) năm 2025 của bốn nước VN, Thái Lan, Lào và Campuchia. Vì vậy, sự đóng góp của 12 đập này chỉ đúng bằng mức tăng trưởng điện một năm. Nước Lào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ các dự án này. Lào có thể thu được 2,6 tỉ USD mỗi năm do bán điện.

     Đương nhiên các nhà xây dựng, các nhà đầu tư sẽ chia sẻ với Lào trong số 2,6 tỉ USD đó. Điều đáng lưu ý là Lào dự kiến xây dựng thủy điện mật độ dày đặc nhưng chỉ sử dụng 4%, 96% còn lại được xuất khẩu chủ yếu sang Thái Lan và VN” - TS Jeremy cho biết.

     Tác động xấu của nó thì thế nào? TS Jeremy nói: “Hạ lưu sông Mekong sẽ không còn thời gian chuyển mùa trong năm, lượng phù sa sẽ thay đổi, độ phì nhiêu sẽ giảm rất nhiều. Các con đập sẽ tích một lượng nước khổng lồ nhất trong lịch sử. Giả định các con đập cùng xả nước, xả lũ khẩn cấp thì trong vòng 1-2 giờ, mực nước vùng hạ lưu có thể dâng lên 3-6m. Như vậy, chúng ta có thể thấy tác động kinh hoàng của nó trong trường hợp xấu. Vậy mà chưa thấy ai đề cập việc xây đập điều tiết ở phía hạ lưu. Nếu 12 đập thủy điện được xây dựng thì chúng ta cần ba con đập để điều tiết nước. Ai sẽ xây ba con đập, vận hành và chi trả kinh phí cho nó: Lào, Thái Lan hay VN?”.

     Theo tính toán, các đập thủy điện sẽ khiến các hạt phù sa thô và trung bình lắng đọng hết tại các hồ chứa, các loại phù sa mịn giàu dưỡng chất về đến đồng bằng sông Cửu Long chỉ bằng 25% so với hiện nay. Và đồng bằng trù phú nhất VN này sẽ bị mất 42% lượng thủy sản. Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu vấn đề này, cung cấp số liệu: nguồn thủy sản tự nhiên cung cấp cho đồng bằng sông Cửu Long là 220.000-440.000 tấn/năm.

     Nếu mất nguồn thủy sản này mỗi năm có thể mất 1 tỉ USD. Còn việc mất 75% lượng phù sa chưa tính được bằng tiền. Chúng ta chưa đánh giá cụ thể được tác động của các đập phía thượng nguồn mà Trung Quốc đã xây dựng, nhưng ảnh hưởng của việc đói lũ ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay đã thấy rõ: nguồn cá thiên nhiên cạn kiệt, dân phải bơm nước vào đồng, nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở, biển xâm lấn đất liền...

     “VN sẽ được mua điện từ các dự án trên, nhưng xin lưu ý rằng chỉ đáp ứng 4,4% nhu cầu điện của ta. Trong khi đó mối đe dọa là quá lớn, các dự án thủy điện chủ yếu là của tư nhân, thật khó để điều phối 12 ông chủ xả nước thế nào để có lợi nhất cho vùng hạ lưu” - ông Thiện phân tích.

Kiến nghị điều trần trước Quốc hội

     Các đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy (Bạc Liêu), Nguyễn Danh (Gia Lai), Hà Thanh Toàn (Cần Thơ) đều nhận định các chứng cứ được nêu trên là rất đáng lo ngại. “Nhưng ai sẽ hành động” - ông Toàn nêu câu hỏi. “Có nên có công ước về chuyển nguồn nước hay không?” - ông Danh phân vân. Theo GS Nguyễn Ngọc Trân, mặc dù hiệp định sông Mekong đã được ký từ năm 1995, nhưng vì các lợi ích quốc gia khác nhau nên các quốc gia vẫn trong tình trạng “đồng sàng dị mộng”. Vì vậy, biện pháp tốt nhất vẫn là đối thoại và kiên trì thuyết phục nhau.

     Ở khía cạnh khác, Phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế Lê Quốc Dung đặt vấn đề: Người thiệt hại nhất là VN, trong khi chúng ta đang thiếu điện nhất và mong muốn đầu tư thủy điện ở Lào. Vậy nếu không trì hoãn được thì VN vẫn phải vào cuộc đầu tư vì không vào thì người khác vào và mình phải mua điện? TS Jeremy cho rằng các lực lượng của thị trường hiện nay đang quyết định đến việc khai thác, phát triển dòng sông Mekong như thế nào.

     Các nhà đầu tư liên tục đến, hình thành các dự án và quyết định tương lai của sông Mekong. Đây là vấn đề nóng và khó. Tuy nhiên, VN và Thái Lan mới là những quốc gia quyết định đến việc có hay không xây các dự án thủy điện ở Lào, nếu VN và Thái Lan tuyên bố không mua điện thì các dự án trên có lẽ sẽ không được triển khai.

     Ông Trần Văn Tư - chủ tịch Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Cần Thơ - lên tiếng: Đề nghị Quốc hội dứt khoát không đồng tình việc xây thủy điện và không mua điện từ các dự án đó. Sau này nếu có vấn đề gì chúng ta đấu tranh, kiện các nước phía trên.

     Thứ hai, hậu quả rõ ràng đã lường trước được như vậy rồi thì chúng ta chuẩn bị gì cho đồng bằng sông Cửu Long, có cần tích nước không, thay đổi cây trồng, vật nuôi thế nào cần phải chuẩn bị ngay. “VN không mua điện nữa? - đó là câu hỏi không phải đơn giản vì chúng ta đang thiếu điện. Nhưng câu trả lời chúng ta phải nói là: không. Chúng ta phải tìm các nguồn khác” - đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đồng tình.

     Kết thúc thảo luận, các nhà khoa học và các đại biểu Quốc hội nhất trí để vấn đề nhận được sự hiểu biết, quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ hơn, xin kiến nghị ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường tổ chức phiên điều trần trước các đại biểu Quốc hội.
theo:http://tuoitre.vn

Tin tức khác
Dự báo thủy văn ngày 16/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 15/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 14/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 13/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 12/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 11/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 10/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 09/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 08/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 07/04/2024 (16/04/2024)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN