Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 1145
Lượt truy cập : 7685155
Lạc quan hợp tác xã kiểu mới (20/01/2016)
ĐBSCL được xem là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nhưng tình trạng “được mùa, mất giá” thường xuyên xảy ra, bởi sản xuất và tiêu thụ rời rạc. Để nông nghiệp phát triển bền vững thì liên kết là hướng đi tất yếu, ở đó HTX kiểu mới đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp nông hộ lại để hợp tác cùng doanh nghiệp. Mô hình mới này dù còn khó khăn, nhưng thực tế đã xuất hiện nhiều HTX làm ăn hiệu quả, tạo niềm tin cho nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất…
Hiệu quả… bước đầu

Trên cánh đồng hành lá rộng hơn 30ha của HTX Rau củ quả Tân Bình, huyện Bình Tân (Vĩnh Long), các thành viên tất bật chăm sóc để kịp tiêu thụ vào dịp Tết Bính Thân 2016. Ông Nguyễn Ngọc Thạnh, ngụ ấp Tân Thới, xã Tân Bình hớn hở: “Càng gần đến tết thì nhiều thương lái, doanh nghiệp… về đặt mua hành lá nên giá nhích lên từng ngày khiến nông dân rất mừng. Hiện giá hành lá dao động từ 700.000 -  800.000 đồng/tạ, tăng gấp đôi so thời điểm giữa năm 2015, giá này đảm bảo nông dân thắng đậm”. Cùng niềm vui trên, nông dân Nguyễn Thành Trung tiết lộ: “Vụ này cùng trúng giá còn trúng mùa, năng suất đạt tới 40 tạ/công. Tôi vừa bán 3 công hành, sau khi trừ chi phí còn lời gần 40 triệu đồng, dư tiền mua sắm tết”. Theo ông Nguyễn Cao Miên, Giám đốc HTX Rau củ quả Tân Bình, để hành lá vùng này có chỗ đứng như hôm nay phải trải qua quá trình gian khó. “Ngày trước bà con trồng hành nhỏ lẻ, tự phát không theo thời vụ, nên thua lỗ hoài. Thấy sản xuất như vậy bấp bênh quá, nên chính quyền và ngành chức năng xúc tiến thành lập HTX Rau củ quả. HTX ra đời và chúng tôi tập hợp bà con lại, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ một cách bài bản. Song song đó, cậy nhờ ngành chuyên môn hỗ trợ xây dựng mô hình canh tác VietGAP vào năm 2014. Khi hành lá sản xuất đạt tiêu chuẩn thì HTX chủ động liên kết với nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL, TPHCM… ký hợp đồng tiêu thụ. Nhờ đó mà đầu ra ổn định, xã viên trồng hành đạt lợi nhuận cao gấp nhiều lần trồng lúa”, ông Miên kể.
 


Nông dân trồng khoai lang xuất khẩu ở Vĩnh Long cần HTX kiểu mới đủ mạnh để tránh rớt giá.
 
Chuyện HTX Đức Huệ, ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đứng ra thuê đất của nhiều nông dân để hình thành vùng sản xuất lớn, được xem là bước đột phá táo bạo. Giám đốc HTX Đức Huệ - Huỳnh Thanh Thắm, bộc bạch: “Thấy bà con làm lúa vất vả bởi diện tích ít và cứ mãi canh tác theo kiểu cũ. Năm 2014, HTX đứng ra vận động hơn 50 hộ có đất liền canh liền cư nhau với tổng diện tích khoảng 100ha, cho HTX thuê trọn gói. Nông dân chỉ cần giao đất, kèm chi phí đầu tư 22 triệu đồng/ha/vụ, sau đó cứ đi làm chuyện khác và tới khi thu hoạch thì HTX sẽ trả lại cho nông dân đúng 7 tấn lúa/ha/vụ. Nếu tính giá lúa khoảng 5.400 đồng/kg, nông dân lời không dưới 15 triệu đồng/ha mà không tốn một ngày công nào”. Theo ông Thắm, thực tế vụ đông xuân năng suất trên 7 tấn, nhưng vụ hè thu thì thấp hơn nhiều; tuy nhiên HTX vẫn thuê bình quân 7 tấn/ha là nhờ HTX sản xuất quy mô lớn, canh tác bằng máy móc… nên giảm được chi phí đầu tư. Ngoài ra, HTX liên kết với các doanh nghiệp trong việc mua vật tư số lượng lớn, giá ưu đãi; bán lúa chất lượng cao, cùng giống nên được giá… Đối với những nông dân khi cho thuê đất có thể quay lại làm công cho HTX, với mức lương từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Cách làm này giúp các bên cùng có lợi.



Cánh đồng rau bán tết của HTX Rau củ quả Tân Bình - Vĩnh Long
 
Ông Trương Quang An, Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu, huyện Châu Thành (Long An) nói: “Ngày trước bà con than về giá lên xuống thất thường, rồi bị thương lái ép… Khi HTX ra đời đã giải quyết hàng loạt bất cập. Chủ trương của HTX là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đẩy mạnh tìm thị trường tiêu thụ; trong đó đăng ký thành công nhãn hiệu độc quyền thanh long Tầm Vu đi Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Pháp. Ngoài ra, còn xây kho lạnh, 2 nhà xưởng sơ chế, hệ thống sấy, đóng gói… nhờ đó mà thanh long của HTX luôn hút hàng, xã viên có nguồn thu cao”.

Nâng tầm hợp tác xã
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng: “Phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân”. Hiện tại, các địa phương đang đẩy mạnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp và vai trò của HTX càng được đề cập. Đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhìn nhận: “Từng hộ nhỏ lẻ sẽ khó mà xây dựng được sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, bởi gặp khó khăn về tín dụng, năng lực sản xuất và nhiều yếu tố khác. Trong khi HTX sẽ có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn đủ lớn để đầu tư hạ tầng, xây dựng lò sấy, kho bãi, cơ sở chế biến, đóng gói bao bì... HTX “mua chung” vật tư đầu vào, “dùng chung” dịch vụ, máy móc sẽ giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận cho nông dân. Ngoài ra, hộ riêng lẻ sẽ khó tiếp cận thị trường, nhưng HTX sẽ có đủ điều kiện tiếp cận doanh nghiệp, bởi có lượng hàng hóa đủ lớn và có điều kiện xây dựng thương hiệu…”.

Sự cần thiết là vậy, tuy nhiên việc phát triển và nhân rộng HTX kiểu mới vẫn còn khó. Nguyên nhân do nhiều người còn nhận thức khác nhau về HTX, nguồn nhân lực cho HTX chưa được đào tạo đúng tầm, năng lực quản trị còn yếu, thiếu vốn hoạt động, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, tư duy xây dựng chiến lược phát triển còn hạn chế… Để khắc phục những điểm yếu trên, nhiều ý kiến cho rằng cần xác định đúng vai trò, vị trí và tầm quan trọng của HTX để có cách ứng xử phù hợp. Nếu xem HTX hoạt động không chỉ theo đuổi mục đích lợi nhuận, mà là đem lại lợi ích cho nhiều nông dân - xã viên, thì cần tăng cường hỗ trợ HTX đủ mạnh. Xây dựng HTX hoạt động đa dịch vụ như: cung ứng vật tư đầu vào, thu mua, tồn trữ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ... Để làm được như vậy rất cần cơ chế, chính sách đủ mạnh để đầu tư đường dài.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cùng tái cơ cấu nông nghiệp nên gắn hoạt động HTX với xây dựng nông thôn mới. Nông dân trong các HTX sau khi liên kết với doanh nghiệp sẽ được đào tạo kỹ năng sản xuất, kiến thức nông nghiệp, quy trình canh tác VietGAP, GlobalGAP… “Phải đưa nông dân vào guồng máy sản xuất trong nền nông nghiệp hiện đại, nhằm phát triển kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Nên có chính sách ưu tiên cho HTX về quy hoạch đất đai, ưu đãi tín dụng, nâng trình độ quản lý của cán bộ HTX; đồng thời phát huy tối đa vai trò của HTX là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển thêm những HTX kiểu mới đủ mạnh, đáp ứng trong tình hình mới…”, ông Nguyễn Văn Thịnh nói.

Theo http://www.sggp.org.vn

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN