Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 895
Lượt truy cập : 2028976
Xây đê bao, TP.HCM có thành “ao nước”? (02/04/2011)
Xây đê bao, TP.HCM có thành “ao nước”?

Trong năm 2007, TP.HCM phải đối mặt với nạn nước ngập ngày càng tăng. Một số điểm ở quận 1 trước đây chưa từng bị ngập cũng phát sinh ngập. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nguyên nhân gây ngập ở TP.HCM là do triều cường cùng với nước biển ngày càng dâng cao, lũ và mưa.
 
Bộ NN&PTNT đã lập dự án chi 7.200 tỷ đồng làm đê bao thay cho bờ bao, van ngăn triều trên các tuyến sông, kênh, rạch lớn và đặt cống lớn... cho TP.HCM. Trong khi đó, thành phố cũng đang triển khai nhiều dự án chống ngập với tổng kinh phí khoảng 60.000 tỷ đồng. Các dự án trên chưa được kết nối với nhau nên có ý kiến lo ngại khi xây đê bao sẽ càng khiến thành phố ngập nặng hơn vì không có chỗ thoát nước.

Đê bao sẽ ngăn nước ra sông?
Theo giáo sư Nguyễn Sinh Huy, Phân viện Địa lý tại TP.HCM, đến nay thành phố không có gì đối phó với triều, lũ và mưa ngoài vài bờ bao nhỏ. Vì vậy, thành phố phải bắt tay xây dựng hệ thống đê bao và cống ngăn triều quy mô lớn ngay từ bây giờ.

Theo một số chuyên gia, giải pháp xây dựng đê bao chỉ có thể ngăn chặn được nước triều và nước biển dâng xâm thực. Nhưng với mưa xuất hiện thường xuyên và ngày càng lớn từ các năm qua thì đê bao lại có tác dụng “nhốt” nước ở phía sau đê, không cho thoát ra sông, kênh, rạch. Với các khu vực đang đô thị hóa mạnh nhưng hệ thống thoát nước qua cống chưa có hoặc có nhưng không đủ lớn như vùng quận 2, 9, Thủ Đức (nơi có hai tuyến đê sông Sài Gòn và Đồng Nai bao bọc) thì nước càng bị “nhốt” chặt hơn.
 
Bộ NN&PTNT đề xuất xây dựng 12 cống (van ngăn triều) trên các tuyến sông, kênh chính..., trong đó có năm van ngăn triều được xây dựng như những âu thuyền có thể điều khiển đóng mở cho nước vào ra và tàu thuyền đi lại. Theo các chuyên gia về đường sông, giải pháp âu thuyền, van đóng mở sẽ triệt tiêu hoạt động của tàu thuyền vốn lợi dụng lúc triều lên xuống để lưu thông. Mặt khác, các van triều ngăn tự động hoặc có điều khiển đều làm thu hẹp luồng lưu thông của tàu thuyền, nước qua cửa van càng chảy xiết nên rất nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại. Khi lắp cống, van ngăn triều ở các cửa sông lớn, nước sẽ tràn sang các kênh, rạch nhỏ để vào các vùng đất thấp không có đê và như thế TP.HCM vẫn tiếp tục ngập.

Ông Ngô Quang Mãnh - Trưởng phòng Quản lý cấp thoát nước, Sở Giao thông Công chính (GTCC) TP.HCM cho rằng dự án của Bộ NN&PTNT xây dựng các tuyến đê, van ngăn sẽ làm giảm mực nước triều của các tuyến sông, kênh. Còn nước trong nội thị có thoát ra sông, kênh, rạch được hay không thì sẽ làm tăng số cống lên. Thời gian tới, Sở GTCC sẽ nghiên cứu tìm biện pháp xử lý việc nước mưa không thể thoát ra kịp ở các khu vực có tuyến đê bao bao vây. Theo một chuyên gia đô thị, khi các công trình ngăn nước triều và thoát nước đô thị không có sự nối kết, phối hợp đồng bộ thì TP vẫn ngập dài dài.

Chống ngập nhỏ giọt
 
Theo quy hoạch thoát nước giai đoạn 2001-2020, thành phố sẽ giải quyết thoát nước cho khu vực nội thành và vùng đô thị mới phát triển có diện tích 650 km2. TP.HCM cần đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng (theo thời giá hiện nay thì số tiền này trên 60.000 tỷ đồng) để nạo vét 300 km kênh rạch, cải tạo, sửa chữa, xây dựng 2.250 km cống chính và 3.750 km mương hở. Thế nhưng từ 2001 đến nay, thành phố mới thực hiện được khoảng 5.000 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2020, thành phố cần đầu tư khoảng 55.000 tỷ đồng cho các công trình thoát nước.

Giám đốc Sở GTCC Trần Quang Phượng cho hay thành phố đang thực hiện các dự án lớn để cải thiện tình hình ngập nước. Song ông Phượng cho rằng khi hai dự án vệ sinh môi trường nước và kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè hoàn tất vào cuối năm nay, cũng chỉ khoảng 130 km2 của các quận cũ thoát ngập, phần còn lại phải tiếp tục ngập khi mưa và triều lên. Đến năm 2020, 60.000 tỷ đồng cũng chỉ cơ bản giải quyết ngập cho khoảng 640 km2 trong tổng diện tích toàn thành phố gần 2.100 km2.

Đến nay, hàng loạt công trình thoát nước khác đang được TP.HCM triển khai như làm cống kiểm soát triều ở cầu Bông, xây dựng cụm van chặn, kiểm soát triều Bình Lợi, quận Bình Thạnh, xây hồ điều tiết chống ngập... Tuy nhiên, hiệu quả giảm ngập chưa cao. Đã phát sinh hiện tượng ô nhiễm môi trường do nước bị “nhốt” sau các van ngăn triều nên các chất hữu cơ phân hủy lắng xuống, làm cho lòng kênh, rạch bị đầy, nước thoát ngày càng chậm. 

Theo dự án của Bộ NN&PTNT, hệ thống đê bao cho thành phố dài 165 km, cao trình cao hơn 2,5 m. Trong đó có hai tuyến đê bao lớn kết hợp đường giao thông là đê bao ven sông Sài Gòn (từ rạch Ông Dầu đến Vĩnh Bình, dài 6 km, cao trình 2,8 m, rộng 8,5 m); đê bao ven sông Đồng Nai (từ Long Phước-Long Trường đến Trường Thạnh-Phú Hữu, dài 13,5 km, cao trình 3,2 m, rộng 12 m). Sẽ cải tạo các tuyến kênh trục thoát nước chính với tổng chiều dài gần 110 km... Dự án được chia thành ba giai đoạn, tổng kinh phí 7.200 tỷ đồng.

Các dự án thoát nước lớn của TP.HCM:

- Dự án lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè (giai đoạn một), rộng 33 km2, gồm các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp. Tổng vốn đầu tư gần 200 triệu USD.

- Dự án cải thiện môi trường nước (giai đoạn một) cho lưu vực các kênh Tàu Hủ, Bến Nghé, kênh Đôi và kênh Tẻ thuộc các quận 1, 3, 5, 10 và 11, rộng hơn 100 km2. Tổng vốn đầu tư 270 triệu USD.

- Dự án rạch Hàng Bàng, vốn đầu tư 25 triệu USD; kênhTân Hóa-Lò Gốm, vốn đầu tư gần 300 triệu USD. Nhiều dự án có quy mô nhỏ hơn với số vốn cần đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng.



(theo:http://www.phapluattp.upload/images/vn/news)

Tin tức khác
Dự báo thủy văn ngày 29/10/2024 (29/10/2024)
Dự báo thủy văn ngày 28/10/2024 (29/10/2024)
Dự báo thủy văn ngày 27/10/2024 (29/10/2024)
Dự báo thủy văn ngày 26/10/2024 (29/10/2024)
Dự báo thủy văn ngày 25/10/2024 (29/10/2024)
Dự báo thủy văn ngày 24/10/2024 (29/10/2024)
Dự báo thủy văn ngày 23/10/2024 (29/10/2024)
Dự báo thủy văn ngày 22/10/2024 (29/10/2024)
Dự báo thủy văn ngày 21/10/2024 (21/10/2024)
Dự báo thủy văn ngày 20/10/2024 (21/10/2024)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN